Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trưng bày 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu
14/11/2021 | 07:01
320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm được trưng bày tại triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức
Triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL đã tổ chức Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" tại Nhà Quốc hội.
Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra đó là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".
Tại triển lãm lần này, Bộ VHTTDL đã trưng bày 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý hiếm với các nội dung về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Văn hóa Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của đất nước trong một giai đoạn rất đặc biệt kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời điểm hiện tại mà còn giúp cho mỗi người xem có thêm những ký ức. Đồng thời, truyền cảm hứng cho những người làm văn hóa nghệ thuật về việc cần phải có thêm quyết tâm để phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng cho thấy sức sống của văn hóa dân tộc từ truyền thống. Những hình ảnh về di sản văn hóa tại triển lãm đã cho chúng ta thấy được dân tộc của chúng ta có truyền thống lịch sử lâu đời, có kho tàng di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Từ đó để thấy được trách nhiệm làm sao để giữ gìn các giá trị di sản văn hóa này….
Nội dung trưng bày bắt đầu với lịch sử với quá trình dựng nước và giữ nước, qua đó bồi đắp nên những giá trị văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ, được giữ gìn và phát huy, tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Dành khá nhiều thời gian để tham quan các không gian trưng bày tại triển lãm, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, không chỉ giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa của đất nước trong một giai đoạn rất đặc biệt kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam đến thời điểm hiện nay.
Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, văn hóa có sức mạnh đặc biệt khi tạo ra một sức mạnh tinh thần dân tộc và chính nhờ sức mạnh tinh thần đó đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, kẻ thù để xây dựng một đất nước hùng cường như ngày hôm nay.
Phần thứ hai nhìn lại bối cảnh Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/1946. Tại đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.” Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam, trong sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới đất nước...
Thông qua các hình ảnh Bác tới thăm các di sản, di tích lịch sử, người xem sẽ thấy được quan tâm đặc biệt của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc. Bác cũng thường nhắc nhở mọi người cần biết trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc….
Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật quý liên quan đến phong cách và lối sống giản dị của Bác, sự giản dị, thanh cao của Bác toát lên từ những việc nhỏ nhất, trở thành bài học quý giá cho mỗi chúng ta học tập, noi theo: đó là bộ quần áo lụa nâu Bác mặc từ năm 1954-1964; đôi guốc mộc Bác thường sử dụng; gậy mây; thực đơn, bộ đồ dùng trong bữa ăn hàng ngày của Bác; đũa nhạc trưởng Bác chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi bản nhạc “Kết đoàn” tại buổi dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960)…
Ở nội dung thứ ba, triển lãm tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong đó Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng văn hóa vẫn truyền được sức sống, cảm hứng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đối phó với dịch bệnh Covid-19. Chính sức mạnh của tình đoàn kết, tình yêu nước, tinh thần tương thân tương ái được thể hiện trong khó khăn đã tiếp thêm sức mạnh để dân tộc chúng ta vững tin vượt qua đại dịch.
Những tác phẩm, những hiện vật trưng bày tại triển lãm như một lời kể về câu chuyện quá khứ hào hùng của dân tộc, để từ đó liên tưởng đến những câu chuyện của hiện tại. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chúng ta đang rất háo hức, chờ đợi sự kiện lớn của đất nước đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Nam Nguyễn