Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư

27/04/2024 | 07:55

Tối ngày 26/4, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024) với chủ đề "Danh thắng Tràng An - Ngọc đất Việt".

Tham dự buổi lễ gồm các đại biểu: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng với nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 1.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 2.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng các đại biểu tham dự buổi lễ

Chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị lịch sử - văn hóa, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Đồng thời, truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để hiểu, để biết, để trân trọng và tự hào về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ - một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.

Tràng An – "viên ngọc quý" của Ninh Bình

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Ngay sau khi Tràng An trở thành Di sản thế giới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể, ban hành nhiều chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên cơ sở các quy định của Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên và pháp luật của Việt Nam; thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, bền vững; trong đó, chú trọng phát triển vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Do vậy, sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An được nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hợp tác công - tư.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu khai mạc

Cũng theo ông Phạm Quang Ngọc, Di sản Tràng An như "viên ngọc quý", đã trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn những giá trị quý báu của thiên nhiên văn hóa và nhân văn. Những giá trị của Di sản này được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập và phát triển quốc tế; đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO.

Đồng thời, đóng vai trò hạt nhân, trung tâm, định hình phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo hướng đô thị di sản; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Từ đó, Ninh Bình phát triển bứt phá, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022, có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước; là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.

"Chặng đường phía trước đang mở ra cho tỉnh Ninh Bình nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Với quyết tâm cao nhất, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phát huy nội lực, truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo để gìn giữ và trao truyền Di sản vô giá này cho các thế hệ mai sau, kết nối các di sản trên toàn cầu cùng chung sức bảo vệ trái đất xanh, thế giới hòa bình, thịnh vượng. Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ trực thuộc Trung ương, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản quốc gia, quốc tế; một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức "0" của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc" - ông Phạm Quang Ngọc khẳng định.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 4.

Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu

Đánh giá về quá trình bảo tồn và phát triển của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu chia sẻ: Sự kiện trọng đại này không chỉ đánh dấu một thập kỷ của sự công nhận toàn cầu về giá trị to lớn của kho báu thiên nhiên và văn hóa này mà còn là dịp để tôn vinh sự xuất sắc vô song của Tràng An cả trong công tác bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Khi hạnh phúc của người dân được đặt lên hàng đầu, Tràng An nổi lên như một tấm gương sáng về cảm hứng và sự đổi mới.

Nhờ cách tiếp cận đa bên và hợp tác sáng tạo, Tràng An đã trở thành một hình mẫu trong bối cảnh năng động về phát triển bền vững, một mô hình nơi các cộng đồng địa phương không chỉ đơn thuần là người hưởng lợi, mà còn là nhân vật chính trong câu chuyện cân đối hài hòa giữa du lịch bền vững và bảo tồn di sản. Thành tựu này là kết quả của nỗ lực chung của tất cả chúng ta trong việc khai phóng sức mạnh đột phá của di sản để làm phong phú thêm cuộc sống của cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.

Qua đó, bà Simona - Mirela Miculescu mong rằng giai đoạn mười năm tiếp theo trong chương sử của Tràng An sẽ tiếp tục được viết nên bằng hoạt động hợp tác, bảo tồn và một tầm nhìn chung về một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân trong vùng Di sản

Phát biểu chỉ đạo buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã đạt được trong 10 năm qua.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo buổi lễ

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quần thể danh thắng Tràng An là điểm nhấn đặc biệt của thiên nhiên, của con người Ninh Bình, là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa trầm tích văn hóa lịch sử và cảnh quan tạo nên, đồng thời là mối giao thoa hài hòa trong không gian văn hóa cộng sinh chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014. Qua đó, Tràng An đã trở thành Di sản hỗn hợp đứng thứ 31 trên thế giới, thứ 11 ở châu Á - Thái Bình Dương, là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm và cách làm bài bản sáng tạo của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Quần thể danh thắng Tràng An được đánh giá một trong những mô hình tiêu biểu mẫu mực nhất thế giới về sự phát triển thành công giữa kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Đồng thời, trở thành biểu tượng cam kết có trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa và Thiên nhiên của thế giới.

Qua đó, có thể khẳng định, bên cạnh ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, sự trân trọng bảo tồn, phát huy di sản Tràng An còn là nhịp cầu gắn kết văn hóa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới vì mục tiêu và khát vọng hòa bình, có ý nghĩa nhân văn cao cả.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 6.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và hiện thực hóa khát vọng tiếp nối dòng chảy của thời gian, của lịch sử, làm giàu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và hướng tới sự phát triển bền vững thông qua bảo tồn Di sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền Ninh Bình, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và người dân cùng chung sức, đồng lòng, quan tâm một số công việc sau đây:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác dự báo, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thách thức trong quản lý, chủ động sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công – tư, tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục xây dựng, bảo tồn, quy hoạch và phát triển các giá trị Di sản Tràng An.

Hai là, tiếp tục phát huy vai trò, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân trong vùng Di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn Di sản, vừa được hưởng lợi từ Di sản. Miễn dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng xanh. Sáng tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo có tính cạnh tranh cao, lấy bảo tồn Di sản làm nền tảng, làm động lực để phát triển.

Ba là, chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với UNESCO. Quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, giá trị văn hóa, con người, thiên nhiên của Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, bà con đồng bào ở nước ngoài.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 7.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm, bề dày lịch sử văn hóa của vùng cố đô, sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình; sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, các địa phương; sự đồng hành, chia sẻ nhiệt thành, trách nhiệm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An sẽ mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng thời, cũng sẽ mãi trường tồn phát triển cùng dân tộc, góp phần cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc là "Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân được ấm no hạnh phúc".

Tràng An – Ngọc đất Việt, sẽ mãi là viên ngọc sáng ngời, có giá trị lịch sử, nhân văn gần gũi với thiên nhiên và cốt cách hùng thiêng của mảnh đất Cố đô, trái tim của Đô thị Di sản thiên nhiên kỷ, là động lực thúc đẩy cho tương lai tươi sáng cho di sản và cộng đồng.

Tràng An - viên ngọc sáng ngời của mảnh đất Cố đô Hoa Lư - Ảnh 8.

Tiết mục biểu diễn văn nghệ

Tại buổi lễ khai mạc, các đại biểu và công chúng đã được thưởng thức Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm Tràng An được vinh danh là Di sản thế giới có chủ đề "Danh thắng Tràng An - Ngọc đất Việt". Chương trình được chia làm 3 phần: Bình minh huyền sử, Từ thủa vua Đinh và Danh thắng Tràng An - Ngọc đất Việt. Với việc sử dụng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống kết hợp với việc hòa âm phối khí, ánh sáng, kỹ xảo hiện đại, có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ tên tuổi đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả./.

Thương Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×