Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trà Vinh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới

18/06/2023 | 10:47

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Miền núi đã giúp cho tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện tốt nhiều chương trình, chính sách, dự án có liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở, ngành có liên quan đã kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc thiểu số đạt kế hoạch đề ra.

Trà Vinh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới - Ảnh 1.

Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Trà Vinh. Nguồn: travinh.gov.vn

Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có dân số trên một triệu người, trong đó: dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ 31%, các thành phần dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm với nét văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Về văn hoá vật chất, nét nổi bật nhất là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, đã tạo nên văn hoá tinh thần rất phong phú, đa dạng, mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo riêng.

Hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong nhân dịp lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc diễn ra khá phổ biến. Toàn tỉnh có 370 cơ sở tôn giáo, trong đó có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh trở thành các trung tâm lưu giữ, truyền thừa các loại hình văn hóa, văn nghệ, âm nhạc, lễ hội… tạo sinh khí vui tươi lành mạnh duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các chùa đã thành lập các đội văn nghệ dân gian với các dàn nhạc ngũ âm, đội trống sa dam, múa chằn, đội bóng chuyền, đội ghe ngo, các trò chơi dân gian,… để phục vụ rộng rãi trong các hoạt động lễ hội, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc Khmer: Trong thời gian qua, tỉnh Trà Vinh tổ chức thực hiện công tác tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đúng quy định hiện hành. Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Trà Vinh xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo 22 di tích. Sở VHTTDL cũng phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan, các đơn vị tư vấn thực hiện việc khảo sát, rà soát các di tích xuống cấp đã hoàn thành việc lập dự án trình các ngành chức năng tỉnh xem xét thẩm định.

Công tác sưu tầm, trưng bày giá trị văn hóa cũng được quan tâm thực hiện. Tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer thực hiện các cuộc trưng bày, triển lãm với 06 chuyên đề như: Triển lãm chuyên đề mừng Đảng, mừng xuân; Lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Trà Vinh và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025 với 80 hình ảnh, tài liệu; Triển lãm về truyền thống văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong các chuyên đề có trưng bày về Văn hóa Óc Eo di tích cấp quốc gia của tỉnh Trà Vinh (Lưu Cừ II và Chùa Lò Gạch); Các hoạt động lễ hội trong tỉnh với 60 hình ảnh, tài liệu, hiện vật và trình diễn ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer gồm 04 món dân gian với tổng số 180 hình ảnh, tư liệu và 42 hiện vật, góp phần phong phú thêm nét văn hóa dân tộc đặc trưng vùng miền, đáp ứng nhu cầu khách tham quan.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi nổi. Hàng năm diễn ra các cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật dân tộc Khmer trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer như: Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc, trang phục, múa không chuyên; Liên hoan Văn nghệ Đội tuyên truyền lưu động; Liên hoan Đờn ca tài tử Hội thi Tuyên truyền lưu động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Tham gia các cuộc Hội thi, Hội diễn, Liên hoan cấp khu vực và toàn quốc.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, các cấp trong tỉnh trong việc phát triển thể dục thể thao trong tỉnh nói chung và vùng đồng bào người dân tộc nói riêng. Hàng năm, định kỳ vào dịp Lễ hội Ok Om Bok của người dân tộc Khmer từ cơ sở đến tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thể thao sôi nổi tạo không khí vui tươi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng người dân tộc như: Tổ chức giải đua Ghe ngo phục vụ đồng bào dân tộc Khmer vào dịp Lễ hội Ok Om Bok; tổ chức giải Bóng chuyền, Bóng đá dân tộc Khmer và các trò chơi dân gian. Ngoài ra tỉnh còn cử đội Ghe ngo huyện Càng Long, Cầu Kè,.. tham dự các giải đua ghe ngo như: Giải đua Ghe ngo đồng bằng sông Cửu Long, giải đua Ghe ngo vô địch toàn quốc đạt nhiều thành tích nổi bật. Bên cạnh đó còn tuyển chọn các vận động viên xuất sắc người dân tộc Khmer tham gia các giải thể thao, hội thao dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc khi có tổ chức đặc biệt là Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ chu kỳ 5 năm 1 lần…

Trà Vinh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới - Ảnh 2.

Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh biểu diễn điệu múa Kin nor. Nguồn: dangcongsan.vn

Về phát triển du lịch, triển khai thực hiện theo Quyết định số 1921/QĐ-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh, từng bước hình thành sản phẩm du lịch tham quan các di sản văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om được công nhân điểm du lịch năm 2022 là điểm đến cho khách tham quan, gắn với điểm du lịch chùa Âng và Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer; Các di tích trên địa bàn tỉnh như các điểm chùa tiêu biểu trên các địa bàn huyện trong tỉnh; Tham quan làng nghề, ẩm thực truyền thống của đồng bào Khmer; Thực hiện phối hợp tổ chức Lễ hội Ok Om Bok quy mô cấp quốc gia. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái, tâm linh; quảng bá, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, khai thác hợp lý các tiềm năng, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch của vùng đồng bào dân tộc Khmer; Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 4 điểm trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.

Trong tình hình mới, Sở VHTTDL thực hiện cụ thể hóa nội dung Nghị định, Thông tư, Quyết định, các chương trình mục tiêu, các chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số, phù hợp điều kiện thực tế của từng ban ngành, từng địa phương, đơn vị; đồng thời có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cộng đồng các dân tộc thiểu số để cùng thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bên cạnh đó tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa nghệ thuật; Khôi phục, hỗ trợ xây dựng các di tích, danh lam thắng cảnh; Sưu tầm, thống kê, phục dựng các loại hình văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian, các phong trào thể dục thể thao truyền thống, để góp phần bảo tồn về giá trị văn hóa dân tộc, phát huy tiềm năng du lịch. Phối hợp với một số ngành, địa phương, các cơ sở tôn giáo nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dân tộc nói chung; Giữ gìn các loại hình văn hóa truyền thống, từng bước khai thác tiềm năng phát triển văn hóa du lịch xứng tầm với xu thế phát triển hiện nay.

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, một số giải pháp được đưa ra gồm: Lập hồ sơ khoa học cho đối tượng chuẩn bị thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025 gồm các nội dung dự án: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022-2025. Cụ thể: Khảo sát, kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa; Sưu tầm hiện vật, lập hồ sơ khoa học, lưu giữ, di sản văn hóa dân tộc và Trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật và trình diễn di sản văn hóa dân tộc Khmer, Hoa, Chăm; Mở lớp truyền dạy bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; Trùng tu, sửa chữa các hạng mục công trình di tích của dân tộc Khmer đã được công nhận; Bảo tồn và phát huy lễ hội gắn với phát triển du lịch "Lễ hội Ok Ombok tại khu di tích danh thắng Ao Bà Om"; Hoàn thành lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội Vu lan thắng hội (Lễ hội chùa Ông Bổn) của người Hoa tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Nghệ thuật Dù Kê của người Khmer Trà Vinh, Lễ hội Đom Lơn Néak Tà của người Khmer Trà Vinh./.

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×