Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri Về việc đặt tên cho các trường học quốc tế, khách sạn, nhà hàng, chung cư

26/05/2020 | 10:25

Ngày 27 tháng 4 năm 2020, Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 138/BDN gửi xin ý kiến tham gia về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, trong đó có nêu 25 kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được trả lời.

Tại mục số 19, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: "Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy định về việc đặt tên cho các trường học quốc tế, khách sạn, nhà hàng, chung cư,… là tên nước ngoài khi mà hiện nay số lượng tên nước ngoài được đặt cho các địa điểm trên rất nhiều".

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3523/VPCP-QHĐP ngày 05 tháng 5 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1832/BVHTTDL-VP ngày 15 tháng 05 năm 2020 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:

1. Quy định về việc đặt tên trường học

Theo Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy định chi tiết, trong hệ thống giáo dục quốc dân không có loại hình trường quốc tế, chỉ có loại hình trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư vào loại hình trường học tư thục.

Việc đặt tên trường học các cấp được quy định tại các văn bản pháp luật, cụ thể như sau:

- Đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập: Điều 7 Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 07/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường mầm non.

- Đối với trường tiểu học: Điều 5 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường Tiểu học.

- Đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học: Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

- Đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Điều 3 Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp; khoản 6 Điều 25 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

- Đối với trường Trung cấp: Điều 4 Thông tư số 47/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường trung cấp.

- Đối với trường cao đẳng: Điều 3 Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BGDĐT ngày 15/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường cao đẳng; Điều 4 Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường cao đẳng;

- Đối với trường Đại học: Điều 2 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, việc đặt tên trường được quy định tại Điều 29 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể như sau:

"Điều 29. Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

1. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:

a) Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng;

b) Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo", "Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính" và tên riêng;

c) Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Phân hiệu", "Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài" và "tại tỉnh, thành phố".

2. Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

3. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù".

2. Quy định về việc đặt tên khách sạn, nhà hàng

Tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ lưu trú du lịch...) khi có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện khác theo quy định của Luật Du lịch. Việc đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng và đặt tên doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:

- Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tên doanh nghiệp như sau:

"Điều 38. Tên doanh nghiệp

1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là "công ty trách nhiệm hữu hạn" hoặc "công ty TNHH" đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là "công ty cổ phần" hoặc "công ty CP" đối với công ty cổ phần; được viết là "công ty hợp danh" hoặc "công ty HD" đối với công ty hợp danh; được viết là "doanh nghiệp tư nhân", "DNTN" hoặc "doanh nghiệp TN" đối với doanh nghiệp tư nhân;

b) Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

3. Căn cứ vào quy định tại Điều này và các Điều 39, 40 và 42 của Luật này, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp".

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định nhiều nội dung khác liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp, bao gồm: những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp (Điều 39); tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp (Điều 40); tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh (Điều 41); tên trùng và tên gây nhầm lẫn (Điều 42).

- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc đặt tên hộ kinh doanh như sau:

"Điều 73. Đặt tên hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:

a) Loại hình "Hộ kinh doanh";

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ "công ty", "doanh nghiệp" để đặt tên hộ kinh doanh.

4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện."

Bên cạnh đó, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng quy định một số nội dung khác liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp, bao gồm: Tên trùng và tên gây nhầm lẫn (Điều 17); Các vấn đề khác liên quan đến đặt tên doanh nghiệp (Điều 18); Xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 19); Tên chi nhánh, văn phòng đại diện (Điều 20); tên hộ kinh doanh (Điều 73).

3. Quy định về việc đặt tên chung cư

Việc đặt tên chung cư được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, cụ thể như sau:

- Khoản 3 Điều 19 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: "Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng".

- Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định: "Chủ đầu tư có thể phân chia và đặt tên cho từng khu vực nhà ở riêng lẻ được quy hoạch và xây dựng riêng biệt trong dự án để thực hiện quản lý. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư thì chủ đầu tư phải đặt tên bằng tiếng Việt; đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì việc đặt tên dự án, khu vực trong dự án phải tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Luật Nhà ở và được ghi rõ trong quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận nếu không thuộc diện phải làm thủ tục đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư".

- Khoản 6 Điều 80 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định: "Kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, việc đặt tên dự án, tên khu vực trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở phải tuân thủ quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Luật Nhà ở và quy định của Nghị định này; các trường hợp đặt tên và sử dụng tên của dự án các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng quy định tại Khoản này thì không được pháp luật công nhận. Mọi giao dịch có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải sử dụng đúng tên gọi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà chủ đầu tư có sử dụng tên dự án, các khu vực trong dự án bằng tiếng nước ngoài và đã được phê duyệt trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực mà chủ đầu tư có văn bản đề xuất đổi lại tên gọi của dự án, các khu vực trong dự án này theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 của Luật Nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm xem xét ban hành văn bản chấp thuận việc đổi tên gọi. Mọi giao dịch có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải sử dụng đúng tên gọi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×