Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre về đề nghị Chính phủ sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long

27/02/2020 | 15:12

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 707/VPCP-QHĐP ngày 01/02/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, cử tri đề nghị Chính phủ sớm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 806/BVHTTDL-VP ngày 26 tháng 02 năm 2020 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, thực hiện được giao cụ thể sau:

1. Về tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó chú trọng phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái theo đặc thù của vùng (miệt vườn, sông nước), các tuyến du lịch liên vùng và quốc tế; quảng bá sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra thế giới

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2227/QĐ-TTg ngày 18/11/2016. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, Quy hoạch là căn cứ quan trọng để 13 tỉnh/thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thực hiện các định hướng phát triển du lịch riêng của từng địa phương, đồng thời vẫn đảm bảo tính liên kết giữa các địa phương trong vùng để góp phần thúc đẩy các mục tiêu phát triển du lịch chung, như: Phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa; chú trọng phát triển các loại hình du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Các địa phương trong vùng cũng đã triển khai lập các quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia để đảm bảo định hướng về tổ chức không gian tại Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Khu du lịch Núi Sam, tỉnh An Giang là một trong những khu du lịch đầu tiên của cả nước đã được công nhận là Khu du lịch quốc gia theo Quyết định số 2646/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang chỉ đạo thực hiện xây dựng các đề án, các đề tài nghiên cứu để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể:

- Xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhấn mạnh đến các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái ngập nước... và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù này đến các thị trường phù hợp.

- Tổ chức nghiên cứu các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ về: Phát triển du lịch làng nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chuỗi giá trị du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long... Đây là những nghiên cứu cụ thể góp phần triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng Chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó sẽ tiếp tục chú trọng phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái theo đặc thù của vùng (miệt vườn, sông nước), các tuyến du lịch liên vùng và quốc tế; quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời xây dựng các giải pháp phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu.

2. Về bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa; xây dựng kế hoạch bảo tồn phát triển văn hóa-thông tin các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long

a) Về bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng; giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2018-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện:

- Xếp hạng 08 Di tích quốc gia, đưa 11 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di tích thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể: năm 2018: hỗ trợ 13,2 tỷ đồng cho 25 di tích; năm 2019: hỗ trợ 12,9 tỷ đồng cho 24 di tích; năm 2020: dự kiến hỗ trợ 14,8 tỷ đồng cho 23 di tích (phụ lục chi tiết kèm theo).

- Thẩm định các quy hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Hướng dẫn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp xây dựng Hồ sơ di sản thế giới, triển khai Đề án khai quật các di tích Óc Eo.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc xếp hạng, ghi danh và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích khi Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa được tiếp tục triển khai thực hiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong những năm tới:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, xếp hạng di tích ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vùng biên giới để tạo thành những địa điểm phục vụ du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

- Tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Đề nghị Nhà nước tiếp tục tăng cường nguồn lực từ ngân sách hỗ trợ cho việc lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có chính sách cụ thể cho việc bố trí ngân sách địa phương và đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực khác để thực hiện việc bảo quản và tu bổ di tích. Đặc biệt, bố trí lồng ghép các Chương trình trên địa bàn (Chương trình 135, Chương trình hạ tầng du lịch, Chương trình xây dựng nông thôn mới...) để tăng hiệu quả đầu tư.

b) Đối với các công trình văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân bổ kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể:

- Năm 2018: Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang (01 tỷ đồng) và 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện của tỉnh Kiên Giang (500 triệu đồng).

- Năm 2019: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện của tỉnh Kiên Giang (500 triệu đồng).

- Năm 2020: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện của tỉnh Cà Mau (500 triệu đồng).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể:

- Năm 2018: 01 Nhà văn hóa ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ (40 triệu đồng).

- Năm 2019: Bến Tre: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (40 triệu đồng) và 01 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn (30 triệu đồng); Cà Mau: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (40 triệu đồng) và 02 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn (30 triệu đồng/nhà); Cần Thơ: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (40 triệu đồng) và 01 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn (30 triệu đồng); Đồng Tháp: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (40 triệu đồng) và 01 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn (30 triệu đồng); Kiên Giang: 01 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã (40 triệu đồng) và 02 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn (30 triệu đồng/nhà).

c) Về xây dựng kế hoạch bảo tồn phát triển văn hóa-thông tin các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4883/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Thực hiện các chính sách trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống công trình thiết chế văn hóa ở cơ sở; đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa cho các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án, trong đó tập trung xây dựng dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch". Trên cơ sở thực trạng và đề xuất của các địa phương, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện Dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×