Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng kết và trao giải Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015

07/07/2015 | 15:43

Tối 06/7, tại Nhà hát Lam Sơn (TP. Thanh Hóa), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Thứ trưởng Vương Duy Biên, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi đã tới dự.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Phạm Đăng Quyền, thành viên Ban chỉ đạo cuộc thi; lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Thanh Hóa và đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, biên kịch, kỹ thuật viên thuộc 19 đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp trong cả nước.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 21/6 đến 06/7/2015 là sự kiện văn hóa lớn, thu hút sự quan tâm và đón xem của đông đảo khán giả Thanh Hóa. Các đơn vị nghệ thuật kịch nói trong cả nước đã mang đến cuộc thi 29 vở diễn đặc sắc, đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung, hấp dẫn trong cách thể hiện... Qua đó, phản ánh một cách đa chiều, sâu sắc nhiều vấn đề nóng bỏng đã và đang phát sinh, tồn tại trong đời sống xã hội.

Thông qua chủ đề, nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật và số lượng đơn vị tham gia, Cuộc thi đã chứng tỏ sự hưởng ứng tích cực và chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của các đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập trên toàn quốc; hầu hết các đơn vị, nhất là các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã có nhiều cố gắng trong sự tìm tòi và vượt qua những khó khăn để đưa tác phẩm của mình đến với cuộc thi này.

Phát biểu tại buổi tổng kết và trao giải, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, với lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao, “Cuộc thi nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc - 2015 đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Giám khảo và sự hưởng ứng tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của các đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập trên toàn quốc.

Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới các văn nghệ sỹ cùng khán giả tiếp tục quan tâm, chia sẻ, chỉ ra những khiếm khuyết, những bài học kinh nghiệm làm sao cho các Cuộc thi sau được tổ chức hiệu quả hơn. Để sân khấu Kịch nói ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của đông đảo khán giả hiện đại.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật, Sở VHTTDL các tỉnh/thành bám sát quy hoạch phát triển tổng thể về nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, tầm nhìn 2030; chú trọng hơn nữa đến đội ngũ biên kịch, đạo diễn; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các Hội chuyên ngành tổ chức các trại sáng tác và đặt hàng sáng tác để có được một “ngân hàng” kịch bản.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đạo diễn tiếp tục phát huy tài năng, đam mê, dấn thân nghề nghiệp, tìm tòi cách thể hiện mới, có những ý nghĩ táo bạo trong dàn dựng để mang lại màu sắc, hơi thở tươi mới cho chất lượng vở diễn.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa. Cảm ơn các cơ quan báo chí đã theo dõi và đưa tin kịp thời, hiệu quả về Cuộc thi. Biểu dương và cảm ơn Ban Tổ chức, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Sở VHTTDL Thanh Hóa và các đơn vị liên quan đã tận tuỵ làm tốt công tác phục vụ, góp phần thiết thực vào thành công của Cuộc thi.

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 47 HCV, 75 HCB cho các diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc. Trao giải thưởng của Hội đồng giám khảo cho tác phẩm “Những mảnh đời run rẩy” của đoàn Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn; trao 7 HCB cho 7 tác phẩm chất lượng.

Ban Tổ chức đã trao HCV cho 05 tác phẩm: Đường đua trong bóng tối (Đoàn kịch nói Công an nhân dân), Cõng mẹ đi chơi (Công ty CP truyền thông quảng cáo Sài Gòn), Công lý không gục ngã (Nhà hát Tuổi trẻ), Điệp khúc vi rút (Nhà hát kịch Hà Nội) và Lâu đài cát (Nhà hát kịch Việt Nam).


CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×