Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015

31/12/2015 | 17:22

Ngày 31.12.2015, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2015 với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, Ngành VHTTDL đã thực hiện thắng lợi các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và các mục tiêu đề ra:

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai chủ động, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực: Tổ chức, quản lý lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, điện ảnh... được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Thanh tra Bộ đã triển khai 145 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 142 Quyết định xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, thu nộp ngân sách hơn Ba tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015, Thanh tra Bộ tổ chức 550 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 10,7 tỷ đồng. Năm 2015, Thanh tra chuyên ngành ở các địa phương đã thanh tra, kiểm tra: 9.130 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, xử phạt vi phạm hành chính hơn Hai mươi mốt tỷ đồng.

Về Văn hóa

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2015, có thêm 02 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh, gồm: Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (ghi danh lần thứ 2 với tiêu chí về đa dạng sinh học) và Nghi lễ và trò chơi Kéo co (ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines). Trước đó, tính đến năm 2007, có 07 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh, giai đoạn 2011-2015 có 10 di sản được UNESCO ghi danh (đến nay cả nước hiện có 22 di sản được UNESCO ghi danh).

Năm 2015, trình Thủ tướng Chính phủ 11 hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 25 hồ sơ hiện vật, nhóm hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Thẩm định và xếp hạng 50 di tích và 43 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giai đoạn 2011-2015 có 51 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (trong tổng số 62 di tích quốc gia đặc biệt); 275 di tích được xếp hạng di tích quốc gia (trong tổng số 3.258 di tích quốc gia); 138 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Tổng số di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê tính đến thời điểm báo cáo là 39.366 di sản). Hệ thống bảo tàng Việt Nam tiếp tục được mở rộng với 148 bảo tàng, lưu giữ gần 3 triệu tài liệu, hiện vật. Giai đoạn 2011-2015 có 79 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia (trước đó, năm 2007, có 51 di tích được xếp hạng di tích quốc gia (trong tổng số 2.936 di tích quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam có 121 bảo tàng, lưu giữ hơn 2,8 triệu tài liệu, hiện vật).

Văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn ngày càng tiến bộ về chất lượng nghệ thuật và năng lực tổ chức, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là chiến sỹ, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Công tác tổ chức, quản lý lễ hội được tập trung chỉ đạo quyết liệt với việc tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, ban hành bộ tiêu chí đánh giá về công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương. Hoạt động quảng cáo được 47/63 địa phương hoàn thành Quy hoạch và đang triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đã có 62/63 tỉnh/thành thành lập Ban Chỉ đạo, 43/63 tỉnh/thành đã tham mưu trình UBND tỉnh/thành thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số tiếp tục được tăng cường. Năm 2015 phục dựng 06 lễ hội có số dân dưới 5 nghìn người. Tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 05 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người và 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Tổ chức tốt các cuộc Liên hoan nghệ thuật, Ngày hội Văn hóa các dân tộc. Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức đón tiếp trên 250.000 lượt khách tham quan. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp các công trình nhà dân tộc và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa có ý nghĩa văn hóa, chính trị sâu sắc.

Công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được tăng cường; công tác tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Giai đoạn 2011-2015, đã thụ lý hồ sơ cấp hơn 20 nghìn Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế đạt được thành công mới, hiệu quả thiết thực, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, du lịch phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Việt Nam. Đã ký kết 26 văn bản thoả thuận quốc tế, hợp tác quốc tế chuyên ngành với tổ chức quốc tế và các nước. Nhiều sự kiện văn hóa-du lịch được tổ chức thành công ở nước ngoài gây được tiếng vang, tranh thủ dư luận quốc tế.

Với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, công tác gia đình năm 2015 đã được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3) và Chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25.11) được tổ chức hiệu quả trên cả nước.

 
Toàn cảnh Hội nghị tại 03 điểm cầu

Về thể dục, thể thao

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia; công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được quan tâm và đầu tư đúng mức; tham dự các giải thể thao quốc tế năm 2015, các vận động viên Việt Nam đã giành được 475 Huy chương Vàng, 355 Huy chương Bạc, 321 Huy chương Đồng. Các môn thể thao Olympic như Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ... tiếp tục đạt được thành tích cao tại đấu trường khu vực, Châu Á và thế giới. Tham dự SEA Games 28 tại Singapore, Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra, giành được 186 huy chương, trong đó có 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, xếp hạng 3/11 quốc gia tham dự.

Về du lịch

Công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được hoàn thiện; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới tại Nghị quyết số 92 của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành, các doanh nghiệp trong việc triển khai Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại hiệu quả quan trọng, kiềm chế đà sụt giảm 13 tháng liên tiếp và dần phục hồi đà tăng trưởng của lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú hiện đại và cao cấp đã được thực hiện một cách có hiệu quả. Năm 2007, cả nước có 10.400 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 207.000 buồng, trong đó: 31 khách sạn 5 sao, 90 khách sạn 4 sao, 175 khách sạn 3 sao. Đến nay cả nước có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 335.000 buồng, trong đó: 89 khách sạn 5 sao, 215 khách sạn 4 sao và 441 khách sạn 3 sao.

Lượng khách, tổng thu từ du lịch duy trì tăng trưởng liên tục. Năm 2007, ngành Du lịch đón được 4.229.349 lượt khách quốc tế, đến năm 2011, ngành Du lịch đón được 6.014.034 lượt khách quốc tế, phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 130 nghìn tỷ. Đến năm 2015, du lịch Việt Nam đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 330.000 tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng tương ứng là 1,6%, 48%, 43,4% so với năm 2014).

 
Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội

Bên cạnh những thành tựu Ngành đã đạt được trong năm 2015, vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi toàn Ngành tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới như: Công tác tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa; công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công tác quản lý các di sản thế giới; công tác quản lý và chẩn chỉnh sai phạm trong thi người đẹp trong nước và quốc tế; công tác quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao; việc vận hành, khai thác các thiết chế, công trình thể thao sau khi tổ chức các sự kiện thể thao; viêc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành VHTTDL đã đạt được trong năm 2015, kết quả này đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước, công bằng xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đồng thời, trong năm 2015, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đã làm rất tốt, được quốc tế ghi nhận.

Phó Thủ tướng đánh giá trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của năm 2015 vừa công bố đã góp phần thể hiện những nhìn nhận mới trong điều hành của Ngành trong năm qua. Đó là lần đầu tiên công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, vinh danh các báu vật nhân văn sống trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau nhiều năm xây dựng, thống nhất các tiêu chí. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực điện ảnh cũng có sự đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí hợp lý để cho ra mắt bộ phim đầu tiên của mô hình Nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất tạo được tiếng vang về chất lượng nghệ thuật, hiệu ứng xã hội và hiệu quả kinh tế. Đây là những việc làm cần tiếp tục được phát huy trong những năm tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục nỗ lực hành động để toàn xã hội có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chuẩn mực về văn hóa và phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể; đồng thời cho rằng: “Làm văn hóa không phải chỉ là công việc của riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần có sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, làm liên tục ở mọi nơi, mọi lúc và quan trọng là người dân phải đồng thuận, cùng làm”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành văn hóa phải vào cuộc với tâm thế của người văn hóa, phải hết sức tỉ mỉ, chi tiết và thực chất. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của toàn ngành. Trong năm 2016, Phó Thủ tướng đề nghị cần quan tâm, tập trung giải quyết trước những việc dư luận xã hội quan tâm; làm tốt công tác đào tạo nhân lực nòng cốt cho ngành văn hóa...

Sau một ngày làm việc khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Hội nghị đã kết thúc với 16 ý kiến phát biểu của các đơn vị, địa phương. Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý các hoạt động của Ngành; đồng thời, các ý kiến làm rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2015, tham gia đề xuất những giải pháp giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngành năm 2016 hiệu quả hơn. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đức Đam, các kiến nghị, những đề xuất, sáng kiến của các đại biểu; đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền và tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc liên quan đến các hoạt động của Ngành.

Bộ trưởng khẳng định, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (2016-2020), tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển đã đề ra trong năm 2016 và tạo tiền đề căn bản phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, tích cực góp phần cùng Chính phủ và cả nước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã được Quốc hội thông qua, cụ thể như sau:

Chủ động xây dựng chương trình hành động của Ngành để khẩn trương thực hiện ngay các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Trước mắt, trong tháng 01.2016, phát động tháng cao điểm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Tiếp tục thực hiện tích cực, có hiệu quả việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình xây dựng pháp luật và các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 đảm bảo chất lượng, tiến độ. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tập trung hoàn thiện dự án Luật Du lịch sửa đổi và Sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, dự án Luật Thư viện; nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Đánh giá mô hình tổ chức Bộ đa ngành từ Trung ương đến các địa phương, qua đó phát huy tối đa những thuận lợi của Bộ đa ngành; tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính do các cơ quan quản lý nhà nước của Ngành thực hiện; Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trọng tâm là những vi phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch, bạo lực thể thao...

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-nghệ thuật trong thời kỳ mới. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Triển khai tốt công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2016.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01.12.2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14.01.2013 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; các Chiến lược, Quy hoạch, Đề án phát triển thể dục thể thao đã được phê duyệt...

Tổ chức thành công Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016. Tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, nội dung trọng điểm có trong chương trình Olympic, ASIAD. Chuẩn bị lực lượng, tham dự vòng loại Olympic, Paralympic 2016 tại Brazil, Đại hội Thể thao trẻ em Châu Á lần thứ 6 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8.12.2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14, 18 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực Du lịch, phấn đấu xây dựng Ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; các hoạt động thúc đẩy du lịch liên vùng, liên kết trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Tổ chức tốt các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2016 tại Kiên Giang và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2017 tại Lào Cai.

Nhân dịp này, Bộ VHTTDL đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho 13 tập thể, cờ thi đua của Bộ VHTTDL cho 64 tập thể; tặng bằng khen của Bộ VHTTDL cho 04 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×