Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015
31/12/2015 | 15:05Chiều 30.12.2015, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016, tại 03 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã tới dự.

Đối với Lễ hội “Cầu trâu” (Hương Nha, Phú Thọ): Bộ trưởng đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng hai xã Hương Nha và Xuân Quang (Phú Thọ). Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng chỉ đạo việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thông phải khơi trong, gạn đục, giữ gìn những giá trị tốt đẹp, còn những tập tục còn chứa đựng yếu tố phản cảm gây bức xúc dư luận, phải xem xét, đánh giá lại để điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với tập tục “Chém lợn” ở lễ hội Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học đưa ra giải pháp phù hợp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới có phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã làm việc với Sở VHTTDL Bắc Ninh và chính quyền phường Khắc Niệm để tuyên truyền vận động, đồng thời yêu cầu địa phương không thực hiện nghi thức “chém lợn” giữa sân đình.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL đã tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà văn hóa, cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí để cùng nhau thống nhất quan điểm cần loại bỏ những lễ hội có nghi thức phản cảm. Quan điểm đó đã nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa tham gia Tọa đàm, Hội thảo. Đặc biệt chính quyền địa phương đã cam kết không thực hiện nghi thức chém lợn giữa sân đình trong mùa lễ hội năm 2016.
Đối với tập tục “Cướp phết” ở lễ hội Phết (Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ), Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đề xuất với UBND các cấp thay đổi hình thức tổ chức lễ hội cho phù hợp, đồng thời tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, điều tra xã hội học, rà soát lễ hội đảm bảo việc tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL.
Về vấn đề thương mại hóa trong lễ hội, Bộ VHTTDL đã có những chỉ đạo cụ thể trong việc tăng cường vai trò quản lý của các cấp, rà soát hệ thống lễ hội, tổ chức lễ hội đảm bảo lành mạnh, thiết thực, tiết kiệm. Việc cấp phép tổ chức lễ hội, đặc biệt chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố lạc hậu không còn phù hợp.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Hoàng Minh Thái đã giới thiệu Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL, ngày 22.12.2015 của Bộ VHTTDL quy định về tổ chức lễ hội; đồng thời các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong tình hình hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm mang đến một diện mạo nhiều chuyển biến tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong mùa 2015. Bên cạnh những chuyển biến, các địa phương cũng như các Cục, Vụ chức năng cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề còn hạn chế, tồn tại, tìm nguyên nhân để đưa ra phương hướng giải quyết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong công tác tổ chức lễ hội vẫn còn những biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi; một số lễ hội còn duy trì các tập tục chứa đựng những yếu tố phản cảm, gây bức xúc dư luận; còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã gây tốn kém, lãng phí, nguy cơ cháy nổ cao; một số lễ hội có biểu hiện bạo lực, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành khác làm mất an ninh trậ tự, gây ùn tắc giao thông; nhiều nơi lén lút đổi tiền hưởng chênh lệch giá; tình trạng xả rác bừa bãi trong lễ hội… là những vấn đề tồn đọng đã kéo dài qua nhiều mùa lễ hội và tại hội nghị tổng kết năm nay, một lần nữa lại được nêu lên.

Bộ trưởng cũng đặc biệt đánh giá cao sự nhập cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với việc tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đề nghị tiếp tụ tăng cường trong mùa tới.
Nhân dịp này, Bộ VHTTDL đã công bố kết quả chấm điểm và xếp loại về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cụ thể có 8 tỉnh được xếp loại A gồm Hà Nam, Long An, An Giang, Hải Dương, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; 25 tỉnh đạt loại B; 01 tỉnh được xếp hạng C; 29 tỉnh không gửi kết quả chấm điểm.
CTTĐT