Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

22/05/2014 | 16:38

Sáng 22/5, tại  Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tại 03 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Hồ Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Sở VHTTDL một số tỉnh/thành; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Theo dự thảo báo cáo tại Hội nghị, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008 về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Sau 5 năm triển khai, hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật có những tiến bộ quan trọng. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể từng bước được bảo hộ. Nhiều chủ thể đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả, với tổng lượng Giấy chứng nhận đăng ký đã cấp từ năm 2008 đến 2013 là 26.347 Giấy chứng nhận.

Đối với một số lĩnh vực tài sản trí tuệ, khả năng tự quản lý, khai thác của các nhân tỏ ra không hiệu quả, vì vậy, hệ thống đại diện quyền tác giả, quyền liên quan với 4 tổ chức đã được ra đời để thực hiện việc đàm phán cấp phép sử dụng, thu tiền và phân phối tiền cho các chủ thể đã ủy thác. Một số tổ chức hoạt động có hiệu quả, tạo niềm tin cho các văn nghệ sĩ, trí thức ủy thác quyền.

Đồng thời, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai thực hiện Chỉ thị tại các tỉnh/thành, đã thu trên 200 tỷ đồng tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc để phân phối cho các chủ thể ủy thác quyền cho Trung tâm. Năm 2008, VCPMC có 1356 hội viên, thu được trên 16 tỷ đồng, đến năm 2013 thì VCPMC đã có 2787 hội viên, thu được trên 58 tỷ đồng tiền bản quyền.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan cũng được triển khai đồng bộ. Năm 2009, lực lượng Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 14.429 lượt cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó phát hiện 3.013 cơ sở vi phạm. Đã xử phạt cảnh cáo 188 cơ sở, giữ giấy phép 37 cơ sở, đình chỉ hoạt động 143 cơ sở. Thu giữ 649.324 băng đĩa các loại và 3.885 bản sách. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính là 11.500.510.000 đồng.

Trong hai năm 2010-2011, Thanh tra Bộ VHTTDL phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thành lập các đoàn thanh tra tiến hành thanh tra đột xuất 119 doanh nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Long An… với tổng số máy tính kiểm tra 4.660 chiếc, phát hiện nhiều phần mềm được sao chép bất hợp pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tiến trình phát triển đất nước.


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cùng với các hoạt động đã được thực hiện sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg: “Trong những năm qua, hoạt động bảo hộ quyền tác giả đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hoạt động nghiên cứu, xây dưng, hoàn thiện và thực thi phát luật cũng đã có những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tiến trình hội nhập của đất nước. Do đó, để hoạt động bảo vệ, thực thi quyền bảo hộ tác giả và quyền liên quan được thực hiện đồng bô và tốt hơn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 36/2008/CT-TTG về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan này với mong muốn sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, những kiến nghị từ phía các chuyên gia, các nhà quản lý đến từ địa phương trên cả nước.”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nghiên cứu và thảo luận 12 tham luận của các đơn vị: Thanh tra Bộ VHTTDL, Đài truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Cục Xuât bản, in và phát hành; Sở VHTTDL thành phố Hà Nội; Sở VHTTDL thành phố Hải Phòng; Sở VHTTDL thành phố Nghệ An; Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa; Sở VHTTDL thành phố Hồ Chí Minh; Sở VHTTDL Cần Thơ; Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng; Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tham luận được trình bày xúc tích, ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung của các đơn vị đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề, thắc mắc trong chính những người thực thi công tác bảo hộ quyền tác giả. Nhiều ý kiến khác nhau đã được nêu ra tại Hội nghị như: Quyền tác giả và quyền liên quan đến nay vẫn còn là một khái niệm chưa rõ ràng và chưa được phổ biến tại Việt Nam; Khung giá cho việc thu phí bản quyền cũng chưa cụ thể; Các cơ quan chức năng tại địa phương chưa được phép thực hiện việc thu phí này dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền là điều dễ hiểu; Các luật về bảo hộ quyền tác giả chưa đồng nhất và còn nhiều chồng chéo, bất cập…

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×