Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng kết 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số

25/11/2010 | 09:51

(VP)- Sáng 24/11, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết 10 năm bảo tồn, phát huy Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu...  

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng: Hội nghị đánh giá, kiểm điểm 10 năm công tác chỉ đạo bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; trên cơ sở đánh giá thực trạng những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến để cơ quan quản lý nhà nước có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn trong việc xây dựng, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp với công tác bảo tồn, phát huy Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.  


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đức Hậu – Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc cho biết: Lễ hội nói chung, lễ hội của các dân tộc thiểu số nói riêng là hình thức sinh hoạt văn hoá đặc biệt, mang tính cộng đồng, đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, Lễ hội dân gian các dân tộc là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hoá-lịch sử phong phú, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc. Theo thống kê hiện nay, cả nước ta có 7.966 lễ hội, trong đó có trên 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88%), phần lớn trong số đó là do cấp xã quản lý (5.517 lễ hội-chiếm gần 70%).  

Trong xu thế hội nhập, hợp tác và giao lưu cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, môi trường tồn tại của lễ hội ngày càng có nhiều thay đổi, hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc đang có những biến động, thậm chí đứng trước nguy cơ biến dạng, mai một. Trước thực trạng đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ phục dựng hơn 50 lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010.  

Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đều cho rằng: sự phục dựng và phát triển rộng rãi các Lễ hội dân gian đã khơi dậy các giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu đồng thời có tác dụng không nhỏ trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Các Lễ hội dân gian đặc sắc đã trở thành nguồn “tài nguyên” nhân văn vô giá trong việc tăng cường du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội.  

Tại Hội nghị các đại biểu đã đề xuất với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư kinh phí nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội đã bị mai một; tích cực tuyên truyền, quảng bá các lễ hội đặc sắc đến với đồng bào cả nước và du khách quốc tế; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội…  

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×