Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng duyệt vở kịch lịch sử "Thế sự"

12/06/2018 | 09:20

Tối 11/6, Nhà hát Kịch Việt Nam đã biểu diễn tổng duyệt vở kịch lịch sử Thế sự.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh đã đến tổng duyệt vở diễn.

Vở kịch "Thế sự" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. “Thế sự” là câu chuyện kể về Nguyễn Hữu Chỉnh - một viên tướng nổi tiếng thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn trong thế kỷ 18. Ông là người mưu lược và có tài năng về quân sự, là một nhân tố quan trọng trong sự kiện quân Tây Sơn kéo ra Bắc Hà diệt nhà Trịnh…Tuy nhiên, bi kịch chính là ở chỗ, gia đình ông ăn “lộc” chúa. Bởi vậy, Nguyễn Hữu Chỉnh bị xếp vào hàng “rước voi giày mả tổ”.

Văn võ toàn tài, tham vọng lớn, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh không được ai tin tưởng. Vua Lê kiêng dè, Tây Sơn lợi dụng. Cái kết thảm của Nguyễn Hữu Chỉnh (tứ mã phanh thây) là một cái kết được báo trước cho những con người tài năng, không khuất lụy trong thời loạn.

Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết: “Việc dàn dựng kịch lịch sử luôn gặp khó khăn với nhiều đơn vị nghệ thuật, nhưng được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật Biểu diễn; Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn mạnh dạn đầu tư dàn dựng. Bởi chúng tôi mong muốn đưa đến cho khán giả sự cảm thấu về một giai đoạn lịch sử của đất nước và giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn, trân quý hơn với ngọn nguồn sử Việt của dân tộc Việt…”.

Một cảnh trong vở diễn Thế sự

Tác giả kịch bản Lê Chí Trung chia sẻ: Ông viết vở kịch không phải để minh oan cho nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh. Mà để trả lại cái nhìn đa chiều, có công, có tội về những nhân vật lịch sử.

“Trong lịch sử Việt Nam nói chung, có nhiều câu chuyện tam sao thất bản do chúng ta không có tư liệu. Thậm chí, có những câu chuyện do quan điểm của sử gia phong kiến- thường là những vị quan trong triều- nên nhiều nhân vật bị nhìn nhận sai lạc. Với Nguyễn Hữu Chỉnh, với Hàn lâm học sĩ Nguyễn Thị Lộ, với Lê Văn Thịnh- Trạng nguyên khai khoa của Việt Nam… cũng bị đánh giá sai lạc. Thậm chí, văn học nghệ thuật có nhiều tác phẩm đã đánh giá hết sức sai lầm về những nhân vật này. Những quan trung thần thời Đinh như Đinh Điền, Nguyễn Bặc đều bị hư cấu là theo giặc. Đó là sự nhức nhối của những người sáng tạo nói chung khi đánh giá sai lầm về lịch sử. Người nghệ sĩ có thể sáng tạo, hư cấu nhưng không được thay đổi bản chất của lịch sử, bản chất của nhân vật lịch sử. Tôi rất chú trọng những con người lịch sử bị hàm oan. Nguyễn Hữu Chỉnh là danh tướng văn võ toàn tài. Danh tướng cả đời cầm quân đánh giặc, đi đến đâu là giặc không dám nhìn mặt. Nhưng bị đánh giá sai. Tôi viết vở diễn để suy ngẫm về con người, về lịch sử và thời cuộc.”- tác giả Lê Chí Trung chia sẻ./.

Dạ Minh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×