Tọa đàm Văn học Pháp ngữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
21/10/2022 | 14:57Sáng 20/10/2022, nằm trong chuỗi các sự kiện nhân dịp Khai trương Không gian sách tiếng Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tổ chức buổi Tọa đàm Văn học Pháp ngữ qua sự dẫn dắt của diễn giả TS. Trần Văn Công - Trưởng khoa tiếng Pháp, Đại học Hà Nội; Chủ tịch Hiệp hội các trường giảng dạy Văn học và Khoa học Nhân văn Pháp ngữ; Chủ tịch Ban Giám khảo giải thưởng văn học 5 châu lục của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ khu vực Việt Nam.
Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện Lãnh đạo và viên chức TVQG; các em sinh viên Khoa tiếng Pháp – Đại học Hà Nội và đông đảo bạn đọc thân thiết tại Thư viện.
Các nội dung được diễn giả tập trung đề cập đến gồm: Văn học Pháp và Văn học Pháp ngữ; các nền Văn học Pháp ngữ tiêu biểu và Văn học Pháp ngữ Việt Nam.
Pháp là đất nước có nền văn học đồ sộ, cái nôi của rất nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới như Molière, La Fontaine, Voltaire, Victor Hugo, Balzac, Zola,… với các thể loại văn học lãng mạn, hiện thực,… Nền văn học Pháp qua nhiều thời kỳ phát triển đã được cả thế giới biết đến và công nhận. Không chỉ dừng lại ở các tác phẩm tiểu thuyết mà còn các tác phẩm ở các thể loại khác như kịch, thơ ca, ngụ ngôn, hồi kí….. Bên cạnh đó, văn học Pháp ngữ còn là nền văn học của các nước nói tiếng Pháp khác như: Bỉ, Canada, Tunisie, Việt Nam…
Các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của người Việt Nam như: tiểu thuyết Bà Đầm (Trương Đình Tri, 1930); Truyền thuyết miền tĩnh thổ (Phạm Duy Khiêm, 1942); Văn minh Annam (Nguyễn Văn Huyên, 1944); … xét về số lượng và chất lượng, đã tạo nên một dòng văn học có lý do tồn tại trong lòng cộng đồng dân tộc và có vị trí xứng đáng trong lòng văn học thế giới. Thứ nhất chứng tỏ bản thân thông thạo tiếng Pháp, có đủ năng lực nắm bắt và diễn tả được các sắc thái tinh tế, phong phú, phức tạp của một thứ ngôn ngữ phương Tây mà họ đánh giá cao so với tiếng mẹ đẻ. Thứ hai, họ dùng tiếng Pháp để viết về phong tục tập quán, về những con người của dân tộc mình nhằm giới thiệu văn hóa nước mình cho người Pháp nói riêng, người nước ngoài nói chung. Thứ ba, tiếng Pháp trong tay họ được sử dụng như một công cụ để phản ứng lại thứ tư duy thực dân, thái độ thực dân của kẻ thống trị đối với kẻ bị trị. Vai trò của họ là làm gạch nối giữa Tây và Đông như Phạm Quỳnh nói: “Đối với giới trí thức nước Nam, tiếng Pháp là thứ tiếng của văn hóa. Với chúng tôi, nó là chìa khóa và vũ khí. Chìa khóa mở ra cho chúng tôi những kho báu của tư tưởng Tây phương; vũ khí bảo vệ chúng tôi và giải phóng chúng tôi về tinh thần, luân lý, chính trị kinh tế”.
Bên cạnh đó, công chúng và bạn đọc cũng được diễn giả giới thiệu các tác phẩm đạt giải thưởng 5 châu lục của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã được dịch sang tiếng Việt: Bí mật của mẹ của nhà văn Tunisie Fawzia Zouari và Chuyện người đàn bà Di gan của nhà văn Bỉ Jean Marc Turine – các tác phẩm đã phản ánh sự đa dạng văn hoá, làm nổi bật những tài năng văn học ở năm châu lục và quảng bá họ trên trường văn học quốc tế.
Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi và gắn kết, qua đây giúp cho công chúng và bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc hơn về Văn học Pháp ngữ đa văn hoá, đa sắc màu, khơi dậy tình yêu với tiếng Pháp. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên củng cố thêm về kiến thức ngôn ngữ và văn hoá Pháp.