Tọa đàm “Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam”
14/11/2017 | 15:43Ngày 14/11, buổi tọa đàm “Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Tọa đàm do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTTDL) tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Gia Linh
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Đại sứ quán Đan Mạch có bà Charlotte Laursen - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đan Mạch tại Việt Nam. Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thứ trưởng, NSND Vương Duy Biên; họa sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; bà Nguyễn Phương Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện, Thanh tra Bộ, đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT: Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh…, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, chủ các gallery…
Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, trong suốt 10 năm qua, thông qua Hiệp định hợp tác văn hóa giữa hai Chính phủ, Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam hình thành và duy trì một kênh đối thoại giữa các nhà quản lý chính sách với những người hoạt động thực tiễn.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Gia Linh
Hàng năm, một hội thảo thường niên đã được tổ chức về những vấn đề được quan tâm trong chính sách quản lý văn hóa, bản sắc văn hóa và sự đa dạng, xây dựng các cơ chế hợp tác tài chính cho các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường mỹ thuật, quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan.
“Trong khuôn khổ kế hoạch hành động Việt Nam - Đan Mạch 2017, 2018, Tọa đàm “Tự do sáng tạo và sự đa dạng của các hình thức biểu đạt mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam” được tổ chức để cùng trao đổi về những vấn đề mang tính thời sự trong lĩnh vực này, để cùng nhau thúc đẩy sự đa dạng, sáng tạo, đảm bảo quyền của các nghệ sĩ, góp phần vào sự đa dạng của văn hóa”, bà Nguyễn Phương Hòa cho biết.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, “Tự do sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật là quyền văn hóa được ghi nhận tại các Công ước của Liên Hợp quốc mà Việt Nam là thành viên. Đảng và Nhà nước ta luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”.
Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong khoảng 15 năm từ đầu thập niên 90 đến giữa những năm 2000 với sự ra đời của nhiều gallery và phòng tranh trong nước.
Để tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện cho hoạt động của lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, Chính phủ đã ban hành một số văn bản pháp lý quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác cấp phép, thanh kiểm tra tại nhiều địa phương vẫn còn những bất cập và đặc biệt hiện tượng tranh giả, tranh nhái, tranh chép... ngày càng trở nên bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến quyền tự do sáng tạo và biểu đạt của nghệ sỹ. "Trên tinh thần “lắng nghe, cầu thị” của cơ quan quản lý, tôi trông đợi các đại biểu sẽ có những trao đổi thẳng thắn, khách quan, mang tính xây dựng", Thứ trưởng chia sẻ.
Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu đề cập tại tọa đàm là công tác cấp giấy phép hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh thời gian qua, đặc biệt là việc xin cấp giấy phép tại các địa phương.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Gia Linh
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết công tác thẩm định giấy phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh là hoạt động thường nhật của Cục và các Sở VHTTDL, VHTT các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, công tác quản lý cấp giấy phép ở nhiều địa phương vẫn còn những lúng túng trong việc phân cấp giữa UBND tỉnh/ thành phố và Sở VHTTDL; Sở VHTT. Công tác thanh tra kiểm tra, hậu kiểm các hoạt động triển lãm, mỹ thuật và nhiếp ảnh, thanh tra chuyên ngành chưa được làm thường xuyên.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ảnh: Gia Linh
Công tác thẩm định, cấp phép do thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn về mỹ thuật và nhiếp ảnh nên vẫn còn những kỳ, cuộc, những địa phương chưa có được sự chia sẻ giữa nhà quản lý và nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền cho các tác phẩm tranh, nhiếp ảnh bị xâm phạm diễn ra ngày một nhiều hơn, tinh vi hơn, thậm chí hình thành một “thị trường ngâm” tranh giả…
Trước những vấn đề được đặt ra, việc tiếp tục xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xa hơn là xây dựng Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh là vô cùng cần thiết để khuyến khích và tạo điều kiện cho sáng tạo và công bố triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đến đại chúng, hướng đến các giá trị nghệ thuật và nhân văn hướng thiện./.
Gia Linh