Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tình hình khách du lịch quốc tế tháng 5/2014

19/05/2014 | 17:57

Sáng 19/5 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo tình hình khách quốc tế tháng 5/2014. Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Hồ Anh Tuấn; Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL – Phan Đình Tân; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Văn Tuấn đã chủ trì buổi họp báo.

Cùng dự có đông đảo các phóng viên đại diện cho các báo, đài Trung ương và Hà Nội.

Tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Văn Tuấn đã khái quát tình hình hoạt động du lịch từ đầu tháng 5/2014 đến nay. Theo đó, những ngày gần đây, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đã trực tiếp tạo nên tác động kép: khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột, nhiều khách du lịch Việt Nam hủy tour đi du lịch Trung Quốc; mặt khác, khách du lịch một số thị trường cũng có tâm lý e ngại trước tình hình tại Việt Nam.

Tại một số địa phương, từ đầu tháng 5 đã xuất hiện hành động tự phát của một vài doanh nghiệp du lịch kêu gọi không tổ chức tour đi và đón khách Trung Quốc, một số khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ không phục vụ người Trung Quốc, hướng dẫn viên không phục vụ khách Trung Quốc… đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động du lịch. Các hành vi này mặc dù không phổ biến và đã được ngành du lịch kịp thời chấn chỉnh nhưng cũng là những điều đáng tiếc.

Sau sự kiện công nhân bị kẻ xấu lợi dụng, kích động quá khích diễn ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Đài Loan đã khuyến cáo khách du lịch thận trọng khi đến Việt Nam, Trung Quốc đã hạn chế cấp thông hành xuất, nhập cảnh cho khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ từ ngày 15/5, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng một số đoàn khách quốc tế dự kiến đến Việt Nam đã hủy tour, hủy đặt phòng khách sạn, nhất là tại các địa bàn có nhiều khách du lịch Trung Quốc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch kịp thời nắm bắt thông tin, theo sát chỉ đạo của cấp trên để xử lý kịp thời các diễn biến xảy ra; có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch không có hành vi kỳ thị đối với doanh nghiệp, doanh nhân và khách du lịch Trung Quốc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch Trung Quốc và các nước trong cộng đồng nói tiếng Trung; duy trì các hoạt động dịch vụ du lịch bình thường; giao Tổng cục Du lịch gặp gỡ đại diện Cục Du lịch Đài Loan tại Hà Nội khẳng định cam kết đảm bảo an toàn cho khách du lịch Đài Loan khi sang Việt Nam, và đề nghị tiếp tục hợp tác đưa khách du lịch đến Việt Nam; giao Tổng cục Du lịch thành lập Tổ công tác thường trực để theo dõi sát tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời các diễn biến phức tạp và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/5/2014, Bộ VHTTDL đã có Công điện số 1538/CĐ-BVHTTDL gửi các tỉnh/thành, các đơn vị trực thuộc hướng dẫn thực hiện Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, trật tự, trong đó tập trung yêu cầu theo dõi sát tình hình, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chỉ đạo và đảm bảo an ninh, tuyệt đối an toàn cho khách du lịch.

Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó của toàn Ngành trước những diễn biến căng thẳng từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; lãnh đạo Bộ đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, đôn đốc tại một số địa phương, có ý kiến chỉ đạo kịp thời, bảo đảm cho hoạt động du lịch nói riêng, các hoạt động của Ngành nói chung được thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động thông tin đến phóng viên các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận, tuyên truyền khách quan, trung thực, đúng định hướng về các lĩnh vực hoạt động của Ngành.


Toàn cảnh buổi họp báo

Để kịp thời xử lý tác động từ một số vụ việc tiêu cực diễn ra ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam với một số quốc gia nói tiếng Trung, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua khách du lịch, ngày 16/5/2014, Tổng cục Du lịch đã làm việc với Cục Du lịch Đài Loan tại Việt Nam, gửi công văn đến các cơ quan du lịch quốc gia của các nước để thông báo rõ tình hình, khẳng định cam kết đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức gặp mặt đoàn khách du lịch Trung Quốc tại Hà Nội để thông tin, đồng thời thể hiện tình cảm hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và cam kết đảm bảo an toàn khi khách quốc tế đến thăm Việt Nam, qua họ nhắn gửi thông điệp hòa bình, hữu nghị giữa nhân dân, khách du lịch Trung Quốc và Việt Nam.

Giải pháp ứng phó với những diễn biến trên Biển Đông
Giải pháp trước mắt:  Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nắm bắt thông tin, theo dõi sát tình hình để kịp thời định hướng cho hoạt động du lịch trước những diễn biến mới của tình hình Biển Đông.

Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch; không để xảy ra những hành động kỳ thị, quá khích; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch; duy trì và cung ứng dịch vụ du lịch bình thường; tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15/5/2015 và Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 17/5/2014 của Văn phòng Chính phủ.

Duy trì quan hệ hợp tác về du lịch ở mức độ cần thiết với cơ quan quản lý du lịch của Trung Quốc; chỉ đạo Hiệp hội du lịch Việt Nam duy trì quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam với doanh nghiệp du lịch Trung Quốc.

Tổ chức gặp gỡ, gửi thư tới Cơ quan du lịch quốc gia của các thị trường trọng điểm và truyền thống của Việt Nam để thông báo tình hình căng thẳng không ảnh hưởng tới các điểm tham quan du lịch, khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch và cam kết Việt Nam đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch quốc tế.

Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương, doanh nghiệp đón nhiều khách Trung Quốc để nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, khả năng thực hiện Chương trình hợp tác quốc tế về du lịch Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2014 và đề xuất giải pháp ứng phó.

Thực hiện các biện pháp tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách về du lịch phù hợp đến khách du lịch Trung Quốc và cộng đồng khách du lịch quốc tế.

Giải pháp lâu dài: Chủ động xây dựng Kế hoạch quản lý rủi ro trong hoạt động du lịch; Nghiên cứu phát triển thị trường du lịch quốc tế nhằm khắc phục tác động trước ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc; Tập trung triển khai đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tăng cường gắn kết thúc đẩy du lịch cùng với các sự kiện thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam để bù đắp sự suy giảm từ du lịch quốc tế; Tổ chức nghiên cứu tổng thể về thị trường Trung Quốc để có giải pháp phù hợp về lâu dài; Báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch để kịp thời chỉ đạo phối hợp liên ngành, liên vùng trong việc điều chỉnh định hướng phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh quốc tế, khu vực và quốc gia.

Giải pháp đối với các địa phương, cơ quan liên quan: Ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường phối hợp chỉ đạo thống nhất các hoạt động tuyên truyền, gắn hoạt động du lịch với công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng; thực hiện các biện pháp kịp thời để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch, bảo vệ an toàn cho khách du lịch, chỉ đạo các hoạt động du lịch diễn ra bình thường.

Đối với các Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch: Chủ động liên kết, nghiên cứu và có định hướng phù hợp khai thác thị trường, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường Trung Quốc để có phương án vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong quá trình phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc phải có phương án đảm bảo quyền lợi chính đáng và an toàn cho khách du lịch, không được có hành động quá khích, kỳ thị.

Từ ngày 01/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu HD981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu bảo vệ giàn khoan và các tàu này có các hành động khiêu khích hung hăng đối với các tàu chấp pháp của Việt Nam, gây nên tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tình hình này đã được thông tin rộng rãi, tạo nên làn sóng phản đối Trung Quốc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, tại một số cuộc tuần hành thể hiện lòng yêu nước, có một số hành vi quá khích xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sự an toàn tài sản của doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài trong cộng đồng nói tiếng Trung, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.


HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×