Tiếp tục hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo thuận lợi cho người khuyết tật khi đi du lịch
31/10/2024 | 08:32Sáng ngày 30/10/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đã có buổi tiếp và làm việc với Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) và Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội. Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Đoàn công tác của Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam do ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực làm trưởng đoàn, bà Nguyễn Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Liên hiệp Hội, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Hỗ trợ sống độc lập Hà Nội và các thành viên trong đoàn.
Thay mặt Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực cho biết: nước ta hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động, vì vậy nhu cầu tham gia công việc, du lịch, giao thông của người khuyết tật là rất lớn.
Hiện nay, lĩnh vực du lịch là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế của đất nước và tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có người khuyết tật. Người khuyết tật cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của du lịch và thường đi theo nhóm. Ông Thanh cho rằng, trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành và thực hiện nhiều văn bản quy định pháp luật hỗ trợ và thúc đẩy du lịch đối với người khuyết tật. Tuy nhiên người khuyết tật vẫn còn gặp những khó khăn tại một số điểm du lịch.
Để đảm bảo sự thuận tiện và an toàn cho người khuyết tật khi đi du lịch, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để tạo cơ sở cho các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch; Dành ngân sách phát triển cơ sở hạ tầng để người khuyết tật tiếp cận một cách dễ dàng, đồng bộ; Đưa các tiện nghi phục vụ người khuyết tật thành yêu cầu bắt buộc đối với các công trình công cộng, khu vui chơi giải trí, điểm đến và các dịch vụ du lịch, bao gồm cả các phương tiện du lịch (xe ô tô, tàu biển, cáp treo, thang máy, lối đi dành riêng cho người khuyết tật…). Đồng thời, nâng cao nhận thức của các đơn vị phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách là người khuyết tật. Xây dựng hệ thống thông tin về du lịch tiếp cận và đảm bảo tính minh bạch, công khai, dễ truy cập đối với nhiều dạng khuyết tật. Có các ứng dụng phần mềm tra cứu thông tin về địa điểm du lịch tiếp cận. Các công ty du lịch, điểm du lịch cần có mục “phục vụ người khuyết tật” trong quy chế làm việc, đào tạo nhân lực.
Ông Đặng Văn Thanh mong rằng những khuyến nghị này sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xem xét, bổ sung nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người khuyết tật phù hợp với quy định của Luật Người khuyết tật Việt Nam, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật.
Ghi nhận những thông tin của ông Đặng Văn Thanh và bày tỏ mong muốn người người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng, được đối xử bình đẳng, được đảm bảo việc làm, an toàn tính mạng, được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ khi tham gia du lịch… Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, theo khoản 5, Điều 11 của Luật Du lịch có quy định về Quyền của khách du lịch như sau: "Khách du lịch được đối xử bình đẳng; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; được tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp". Từ đó, việc triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về quyền của người khuyết tật, ưu tiên các đối tượng khách du lịch là người khuyết tật cũng luôn được lồng ghép phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong các hoạt động lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cụ thể, theo Quyết định số 225/QĐ-TCDL năm 2012 có yêu cầu chung đối với nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch, quy định “Ở những nơi có điều kiện, mỗi khu vệ sinh cần có ít nhất một phòng vệ sinh cho người tàn tật. Phòng vệ sinh này phải có cửa rộng hơn để xe lăn có thể vào được và xung quanh nhà vệ sinh có đường dẫn (dành cho xe lăn)”. Tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 10:2014/BXD) về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng đã quy định quy chuẩn về lối vào, bậc, cửa, thang máy, phòng ở, phòng vệ sinh, phòng tắm, lối thoát hiểm… ở nhiều loại công trình bao gồm cả khách sạn, thương mại, dịch vụ cũng đã được nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch áp dụng.
Trong tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn Việt Nam TCVN 4394:2015 có quy định đối với buồng ngủ hạng 4-5 sao cho người khuyết tật di chuyển bằng xe lăn, xe đẩy. Tiêu chuẩn nhà nghỉ du lịch: TCVN 7799:2017 quy định phong cách phục vụ bình đẳng với mọi đối tượng, chú ý đặc biệt tới người khuyết tật. Tiêu chuẩn Biệt thự Du lịch - Xếp hạng TVVN 7795:2021 quy định có phòng ngủ, phòng vệ sinh cho người khuyết tật đi bằng xe lăn, xe đẩy đối với hạng 4-5 sao. Tiêu chuẩn TCVN 13186:2020 Du lịch MICE - yêu cầu về địa điểm tổ chức MICE trong khách sạn, yêu cầu khách sạn phải có đủ điều kiện và trang thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. Có nhân viên được huấn luyện để cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật tham dự họp, hội nghị, hội thảo. Cung cấp đủ trang thiết bị cho người khuyết tật, người già và người có nhu cầu đặc biệt. Trong khách sạn có không gian đỗ xe cho người khuyết tật...
Tại một số điểm đến ở các địa phương như Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay những khách sạn lớn có cơ sở hạ tầng được đầu tư đáp ứng cho nhu cầu tiếp cận của du khách là người khuyết tật. Điển hình như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ có nhà vệ sinh phù hợp với người khuyết tật, xe lăn dành cho khách, lối đi riêng cho người dùng xe lăn và thang máy… tuy nhiên, những mô hình như vậy chưa nhiều.
Thay mặt lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam và nhất trí tiếp tục nghiên cứu để tham mưu xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tạo cơ sở hướng dẫn cho các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch, cụ thể là các văn bản pháp luật quy định rõ về quyền của người khuyết tật trong du lịch, trách nhiệm của các bên liên quan, các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm du lịch tiếp cận. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về du lịch tiếp cận, bao gồm các tiêu chí cụ thể về thiết kế, xây dựng, vận hành và cung cấp dịch vụ du lịch cho người khuyết tật.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng cần đưa ra các yêu cầu về tiếp cận vào các quy định xây dựng, quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư công. Tham mưu, phối hợp tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức về du lịch tiếp cận cho cộng đồng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức diễn đàn du lịch tiếp cận để kết nối các bên liên quan, chia sẻ kinh nghiệm.
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về du lịch tiếp cận cho nhân viên các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch. Có lộ trình đề xuất đưa du lịch tiếp cận vào các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch…
Về công tác ứng dụng công nghệ hỗ trợ khách du lịch, Phó Cục trưởng cho biết: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai một số sản phẩm công nghệ hỗ trợ khách du lịch như Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”: tích hợp các tính năng hỗ trợ tra cứu thông tin điểm đến, bản đồ số du lịch, tra cứu thông tin doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, hỗ trợ đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, đặt vé tham quan, mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý tour du lịch... Bên cạnh đó, ứng dụng cũng hỗ trợ du khách sử dụng hệ thống Thuyết minh đa phương tiện (Multi-media Guide) giới thiệu thông tin điểm đến bằng text, hình ảnh, video clip, âm thanh thuyết minh. Du khách là người khuyết tật có thể sử dụng những tính năng phù hợp nêu trên trong ứng dụng để có sự hỗ trợ hữu hiệu trong hành trình du lịch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh: kết nối liên thông với các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, giáo dục, tiện ích khu dân cư... có thể hỗ trợ khách du lịch là người khuyết tật khi đi lại du lịch, tham gia giao thông, đi khám chữa bệnh... Hệ thống vé điện tử "Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” có thể hỗ trợ du khách là người khuyết tật thuận tiện hơn khi vào điểm tham quan, tránh mất nhiều thời gian chờ đợi, xếp hàng mua vé ở từng điểm. |
Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam