Tích cực chuẩn bị cho Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024
18/10/2024 | 12:18Ngày 18/10, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã có buổi họp với ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.
Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Văn hóa dân tộc, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội,…
Báo cáo về kế hoạch tổ chức Liên hoan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: Liên hoan dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16 – 18/11/2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Liên hoan có sự tham dự của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái đang sinh sống, học tập, làm việc tại địa bàn 15 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay", Liên hoan sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, bao gồm: Lễ khai mạc; Lễ bế mạc; Không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương tham gia Liên hoan gồm: các mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc (Tày, Nùng, Thái) tiêu biểu của địa phương; tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở nhằm phản ánh nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống của đồng bào; Những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP địa phương do đồng bào tham gia sản xuất; Những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương.
Bên cạnh đó, trình diễn, giới thiệu các quy trình, thao tác, nguyên liệu, dụng cụ truyền thống dệt thổ cẩm và chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống dân tộc; Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính; Trưng bày ảnh "Di sản nghệ thuật hát Then - đàn Tính"; Trình chiếu phim tài liệu về Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác như: Diễu hành xung quanh Hồ Gươm; Triển lãm ảnh "Di sản nghệ thuật hát Then, đàn Tính"; Công diễn, giới thiệu quảng bá nghệ thuật hát Then, đàn Tính…
Trình bày báo cáo công tác chuẩn bị cho Liên hoan tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết: Làng cũng xác định, Liên hoan là dịp giới thiệu, quảng bá phát triển du lịch tại Làng cũng như thu hút đông đảo du khách đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bám sát kế hoạch của Bộ VHTTDL, công tác chuẩn bị cho Liên hoan đang được Làng tích cực triển khai, tỉ mỉ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu, nghệ nhân các địa phương về Làng tham dự Liên hoan. Đối với chương trình khai mạc, Làng cũng đã phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam xây dựng khung kịch bản chương trình nghệ thuật.
Chia sẻ về chương trình nghệ thuật khai mạc, Tổng Đạo diễn chương trình NSƯT Trường Bắc cho biết, chương trình chào mừng khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – di sản văn hóa Việt Nam và khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Lần thứ VII, năm 2024 sẽ được diễn ra vào tối ngày 16/11 với chủ đề "Việt Nam kỷ nguyên vươn mình". Chương trình sẽ diễn ra gồm 3 chương: Chương I "Di sản hội tụ tỏa sáng"; Chương II "Chung một niềm tin"; chương III "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình mong muốn góp phần giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương trình nghệ thuật dự kiến sẽ có nhiều nghệ sĩ tham gia như: NSƯT Tố Nga, NSƯT Lương Huy, NSND Tân Nhàn; NSƯT Ploong Thiết (Tây Nguyên); nhóm Pha Lê; Khối nghệ nhân các dân tộc,…
Cũng theo NSND Trường Bắc, kịch bản vẫn đang trong quá trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, do vậy ông mong muốn trong buổi làm việc hôm nay sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía Bộ VHTTDL, các địa phương để có thể hoàn thiện kịch bản chương trình, đem đến một chương trình nghệ thuật có ý nghĩa dành tặng cho đồng bào dân tộc, nhân dân và du khách.
Tại buổi họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất về những phần việc trọng tâm như phương án đón tiếp, bố trí ăn nghỉ cho đại biểu, các đoàn tham dự; góp ý về kịch bản chương trình; phương án tổng duyệt các tiết mục tham gia chương trình khai mạc, bế mạc; công tác truyền thông; việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất khác…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những ý kiến đóng góp nhằm hoàn tất các công việc chuẩn bị cho Liên hoan. Thứ trưởng đánh giá, công tác chuẩn bị về cơ bản đạt tiến độ, chất lượng đề ra.
Với mong muốn hướng đến một Liên hoan thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào các dân tộc, cũng như người dân, du khách, Thứ trưởng đề nghị Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) cùng với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, rà soát các nội dung, hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan, không để xảy ra sai sót.
Một trong những nội dung được Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đặc biệt lưu ý là chương trình nghệ thuật của buổi Lễ khai mạc. Thứ trưởng nêu rõ, chương trình khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái năm nay được gắn với chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết dân tộc – di sản văn hóa Việt Nam, chính vì thế, các tiết mục nghệ thuật trong chương trình cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng, có điểm nhấn, chọn những chi tiết đắt giá nhất để vừa thể hiện được giá trị đại đoàn kết của các dân tộc vừa thể hiện được những nét đặc trưng trong văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Phần lời bình, hình ảnh phải phù hợp với tiết mục, khắc họa rõ nét dấu ấn văn hóa vùng miền của các tỉnh, thành tham dự Liên hoan. Đặc biệt, trong chương trình nghệ thuật phải có sự tham gia của các nghệ nhân biểu diễn, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa của đồng bào dân tộc. Công tác hợp luyện, rà soát hình ảnh, âm thanh diễn ra nghiêm túc, khẩn trương, đúng tiến độ./.