(VP)- Sáng ngày 04/8/2010, tại Trụ sở Bộ VHTTDL, thực hiện Chương trình hoạt động giám sát năm 2010, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành liên quan về việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng Nhà văn hoá Thanh thiếu niên và các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chủ trì. Tham dự buổi làm việc có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Tổng cục, Văn phòng, các Cục, Vụ, … và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ.
Tại buổi họp Thường trực Ủy ban đã yêu cầu các đơn vị trập trung báo cáo và thảo luận các vấn đề chính như: việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, sử dụng các cơ sở, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; các tiêu chí về một khu, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành; kết quả đạt được trong việc đầu tư xây dựng các CS vui chơi giải trí cho trẻ em hiện nay tại địa phương, hiệu quả sử dụng thiết chế, tình trạng cán bộ làm việc tại khu vực này - khó khăn, chế độ chính sách; đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các giải pháp để khắc phục tồn tại yếu kém.
Thay mặt Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trình bày báo cáo về công tác tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, theo đó: Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư, quản lý, sử dụng các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg ngày 24/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hoành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2001-2010; Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020...
Đại diện các Bộ, ngành tại buổi làm việc
Theo báo cáo sơ bộ, toàn quốc có 71 Trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, nhà thông tin triển lãm cấp tỉnh, 510 Trung tâm Văn hoá hoặc nhà văn hoá cấp huyện, 4161 Nhà văn hoá cấp xã, 38543 Nhà văn hoá làng, thôn, ấp bản; 58 Cung thiếu nhi, Nhà văn hoá thiếu nhi cấp tỉnh; 224 Cung, Nhà văn hoá thiếu nhi cấp huyện và 5 Nhà văn hoá thiếu nhi các ban, ngành và 8.451 điểm vui chơi của trẻ em tại xã, phường...
Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các hoạt động triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình đã tạo được sự thay đổi về nhận thức trong xã hội về yêu cầu vui chơi giải trí của trẻ em. Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã nỗ lực tham gia thực hiện chương trình với nhiều tâm huyết. Ngành VHTTDL đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ cho trẻ em.
Trong thời gian qua, Bộ cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
xây dựng và phát triển các điểm sáng về văn hoá; phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ
Chí Minh chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hình
thức hoạt động vui chơi giải trí mới và nhận được sự đồng thuận của đông
đảo nhân dân, từng bước trở thành nếp sống mới trong cuộc sống hiện đại
thông qua những hoạt động như: Ngày hội trẻ em, Chương trình lễ hội,
Chương trình ca nhạc trẻ em nhân các ngày Tết Trung Thu, ngày 1/6 và
ngày Tết cổ truyền.....
Bộ đã tập trung chỉ đạo các Cục, Vụ chức năng (Cục Văn hoá cơ sở, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Cục Di sản văn hoá, Vụ Thư viện…)
có kế hoạch tổ chức các chương trình hoạt động vì trẻ em, tổ chức các
hoạt động phục vụ thiếu niên nhi đồng đặc biệt vào các ngày lễ thiếu nhi
và các dịp hè.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn những khuyết điểm cần khắc phục. Các chỉ tiêu Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001- 2010 chưa đạt, chưa có sự tăng trưởng về số lượng khu vui chơi trẻ em; 85% các Nhà văn hoá, Cung thiếu nhi tập trung ở trung tâm đô thị, chỉ có 10- 15% trẻ em ở các vùng đô thị và 5% trẻ em các vùng miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tham gia vui chơi, giải trí đầy đủ. Đối với nhiều xã nghèo còn là điểm trắng về điều kiện dành cho trẻ em được sinh hoạt vui chơi, giải trí....
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị cũng báo cáo những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại và đóng góp ý kiến, những giải pháp thực hiện trong thời gian tới để công tác đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em đạt được những kết quả tốt nhất.
HCTC