Thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua
10/12/2022 | 11:38Xuất phát từ thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Công tác hỗ trợ pháp lý còn tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề pháp lý đã ngày càng tăng lên, tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tiễn vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Kết quả Báo cáo khảo sát của Bộ Tư pháp cho thấy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam là rất lớn, quan trọng, cùng với nhu cầu tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghiệp; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường… Là một trong 07 hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn liền các hình thức hỗ trợ khác, tạo cơ sở thúc đẩy, phát triển các hình thức này. Vì vậy, công tác hỗ trợ pháp lý đến từ các cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, nhất là sau khi doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, trong giai đoạn hiện nay (sau COVID-19), việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có trong tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là chính sách, pháp luật trong nước còn một số vướng mắc đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được quan tâm giải quyết, bộ máy thực thi của chính quyền còn hạn chế… gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải nhanh chóng nhận diện tình hình, xác định thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức để đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Vì vậy, việc chủ động xây dựng chính sách, chuẩn bị các nguồn lực và giải pháp dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức cần thiết, trong đó, trong ngắn hạn cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; trong dài hạn cần coi việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức; còn một số khó khăn, vướng mắc, cả quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai thực hiện cũng như kinh phí, bộ máy… Vì vậy, việc nhà nước tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cũng là mong muốn của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 việc tiếp cận nguồn lực rất khó khăn.
Với cơ sở pháp lý là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, sau này là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai một cách tích cực, chủ động trên phạm vi cả nước. Cho đến nay, qua quá trình gần 15 năm thực hiện, công tác hỗ trợ pháp lý đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin pháp lý nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn chế rủi ro pháp lý trong kinh doanh và từng bước hội nhập kinh tế, quốc tế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật.
Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, giai đoạn 2010-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và sau đó là tiếp tục giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là Chương trình 585). Trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021.
Đối với các bộ, ngành, nhằm triển khai khoản 3 Điều 14 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình, các bộ, cơ quan ngang bộ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, từ thể chế, quy định của pháp luật đến việc tổ chức thực hiện trên thực tế cụ thể: Bất cập về quy định của pháp luật hiện hành về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; về nhân sự thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; về kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý; về việc tổ chức thực hiện Chương trình…
Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở khoản 4 Điều 14 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, hằng năm các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Theo báo cáo của các địa phương về Bộ Tư pháp về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay toàn bộ các địa phương đã tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung được quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Nhiều địa phương trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có những mô hình hỗ trợ pháp lý sáng tạo, hiệu quả như: mô hình "Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp" của tỉnh Đồng Tháp đã góp phần đưa tỉnh Đồng Tháp liên tục duy trì dẫn đầu về chỉ số thành phần "Tính năng động của lãnh đạo" trong nhiều năm qua; mô hình "Bác sỹ doanh nghiệp" của tỉnh Bắc Ninh để giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Một số tỉnh, thành phố (như Đà Nẵng,...), Sở Tư pháp đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, kiến nghị phương án giải quyết theo thẩm quyền hoăc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ pháp lý nhận được sự quan tâm của các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý, doanh nghiệp. Giai đoạn năm 2010 đến nay (sau thời điểm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được ban hành), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đã tích cực tham gia, phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai các dự án, các hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp và các Chương trình ở bộ, ngành và địa phương ban hành. Nhiều tổ chức dịch vụ pháp lý cũng tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý thông qua việc tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ; tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp./.