Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới

04/04/2025 | 14:54

Sáng 04/4, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo.

Xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, ngày nay khi thế giới bước vào kỷ nguyên số, văn học cũng đang có những sự chuyển mình mạnh mẽ. Các nền tảng xuất bản điện tử, sách số, văn học mạng, trí tuệ nhân tạo... đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho người cầm bút. Văn học không chỉ đơn thuần là những trang giấy mà đã mở rộng ra các hình thức thể hiện đa dạng hơn, tiếp cận đông đảo công chúng hơn, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về việc bảo tồn giá trị nghệ thuật và định hướng sáng tạo trong một môi trường đầy biến động. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, đảm bảo văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Theo Thứ trưởng, Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là một văn bản quản lý Nhà nước có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của nền văn học Việt Nam trong bối cảnh mới.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm khuyến khích sự phát triển của văn học: Đó là các Nghị quyết về văn hóa, văn học nghệ thuật của Đảng như: Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định nhiệm vụ quan trọng là khuyến khích, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) tiếp tục đặt vấn đề về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có văn học. Các chính sách hỗ trợ sáng tác, tổ chức trại sáng tác, giải thưởng văn học nhằm tôn vinh và động viên các nhà văn. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả, bản quyền ngày càng được hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

"Tuy nhiên, trước những biến động nhanh chóng của đời sống và sự phát triển của công nghệ, những chính sách này cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn mới", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định.

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại chặng đường phát triển của văn học Việt Nam, đánh giá những thành tựu và những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.

"Hy vọng rằng, với sự đóng góp tâm huyết của quý vị đại biểu, dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện, trở thành một chính sách thiết thực, góp phần thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới" - Thứ trưởng bày tỏ.

Dự thảo Nghị định gồm 7 chương

Theo báo cáo của Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học gồm 07 Chương, 34 Điều.

Theo đó, về những quy định chung: Dự thảo Nghị định quy định những nội dung cơ bản bao gồm: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển văn học (trong đó, khẳng định Nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động sáng tác tác phẩm văn học; tổ chức trại sáng tác văn học; tổ chức cuộc thi sáng tác văn học; giải thưởng văn học quốc gia; giới thiệu, quảng bá văn học; dịch văn học; phổ biến văn học); những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước đối với văn học; dừng tổ chức các hoạt động văn học, thu hồi giải thưởng và kinh phí thực hiện đối với các hoạt động văn học.

Về sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định tập trung quy định cơ chế hỗ trợ, đầu tư, tiêu chí, quy trình lựa chọn tác giả để Nhà nước hỗ trợ, đầu tư sáng tác, nghiệm thu, các tác phẩm văn học sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sáng tác văn học, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động sáng tác văn học tại Việt Nam.

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới - Ảnh 3.

NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Về tổ chức trại sáng tác văn học: Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hoạt động trại sáng tác văn học, bao gồm: Tiêu chí để tổ chức đáp ứng khi tổ chức một trại sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ VHTTDL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức các trại sáng tác văn học theo định kỳ hàng năm nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả tham gia trại nhiệt huyết sáng tạo tác phẩm văn học; quy định trình tự thông báo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo trước khi tổ chức trại sáng tác văn học; quy định cụ thể về nội dung của Quy chế trại sáng tác văn học, Hội đồng chuyên môn trại sáng tác văn học. Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về tiêu chí trại viên trại sáng tác và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức trại sáng tác tác phẩm văn học.

Về cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, trong đó khẳng định Bộ VHTTDL là cơ quan có trách nhiệm tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học theo định kỳ từ 3 năm đến 5 năm một lần đối với từng thể loại văn học nhằm tạo ra một cơ chế khuyến khích không chỉ về vật chất mà còn khuyến khích về tinh thần, tạo động lực đối với các tác giả trong sáng tạo các tác phẩm văn học đỉnh cao; quy định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo cuộc thi, đề án tổ chức cuộc thi; ban giám khảo cuộc thi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khi tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học.

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới - Ảnh 4.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội

Về Giải thưởng văn học quốc gia: Dự thảo quy định về giải thưởng văn học quốc gia trong đó khẳng định rõ vai trò của Bộ VHTTDL trong việc lựa chọn các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao xứng đáng để tôn vinh giải thưởng quốc gia; quy định quyền lợi và nghĩa vụ của tác giả có tác phẩm được tôn vinh.

Về Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học: Dự thảo Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tác phẩm tiêu biểu cho văn học Việt Nam để giới thiệu quảng bá, hỗ trợ việc tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài.

Giới thiệu tác phẩm có chất lượng đại diện cho văn học Việt Nam tham gia các cuộc thi, giới thiệu tham gia giải thưởng văn học uy tín quốc tế; xây dựng trang thông tin điện tử về văn học Việt Nam nhằm phổ biến, giới thiệu, quảng bá các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam;

Xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học tại Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực có liên quan góp phần tập hợp các đầu mối và nguồn lực thúc đẩy hoạt động giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học có chiều sâu và hiệu quả...

Thúc đẩy nền văn học Việt Nam vươn xa trong kỷ nguyên mới - Ảnh 5.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề như: Đầu tư cho hoạt động văn học; Tổ chức trại viết, các cuộc thi, sáng tác tác phẩm văn học; Giải thưởng văn học quốc gia; Giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học; Công tác lý luận phê bình về văn học; Thu hút đội ngũ chuyên gia trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng văn học.../.

Thanh Thủy

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×