Thừa Thiên Huế: Tạo động lực để hướng dẫn viên trở lại với nghề
15/09/2021 | 16:14Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thực hiện hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch nhanh của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn hướng dẫn viên cũng như nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch đang cần sớm được hỗ trợ, ổn định cuộc sống để có thể “trở lại” với nghề khi tình hình dịch bệnh được khống chế.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 13.9, đã có 710 hồ sơ của hướng dẫn viên nộp về để xét duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Trong đó, 677 hồ sơ đã được UBND tỉnh phê duyệt và nhận được hỗ trợ, với mức 3.710.000 đồng/người. Số lượng hướng dẫn viên hoạt động thực theo thống kê số lượng thẻ mà Sở Du lịch đã cấp đến năm 2021 là gần 1.800 người. Song, theo dự kiến chỉ có khoảng 1.000 hướng dẫn viên đủ tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, trong đó có gần 700 hướng dẫn viên đã tham gia Chi hội hướng dẫn viên Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh thừa Thiên Huế thông tin, quá trình triển khai, sở dĩ có nhiều hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, có hành nghề và đóng góp cho ngành du lịch nhưng lại không đủ yêu cầu về thủ tục, là do một số nguyên nhân như: Chưa tham gia Chi hội hướng dẫn viên du lịch; nhiều hợp đồng lao động của công ty lữ hành với hướng dẫn viên còn lỏng lẻo, chưa đảm bảo yêu cầu trong việc ký kết hợp đồng lao động; một số đơn vị lữ hành đã thông báo dừng hoạt động do bị tác động của dịch bệnh nên việc tìm lại hồ sơ, hợp đồng lao động cho hướng dẫn viên gặp khó khăn. Ngoài ra, một số người hành nghề thực, nhưng vì thẻ hướng dẫn viên lại hết hạn; trong khi đó, tình hình dịch bệnh nên không tham gia được lớp học để cấp lại, gia hạn thẻ… “Trước mắt, để hỗ trợ kịp thời lực lượng hướng dẫn viên, Sở đã có kiến nghị đến Tổng cục Du lịch về việc xét thủ tục cần căn cứ thẻ hướng dẫn viên đã được cấp trước ngày 7.7.2021. Đương nhiên còn phải đáp ứng yêu cầu có hợp đồng lao động hoặc tham gia Chi hội hướng dẫn viên”, ông Phúc nói.
Tổng cục Du lịch cũng đã có cuộc họp trực tuyến với 6 địa phương trọng điểm du lịch về việc triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhiều ý kiến của các địa phương cũng kiến nghị cần “nới lỏng” tiêu chí, thủ tục để mở rộng số lượng hướng dẫn viên được hỗ trợ, nhằm góp phần tạo động lực để đội ngũ hướng dẫn viên “trở lại” với nghề sau khi dịch bệnh được khống chế. Trong đó, có ý kiến cho rằng, chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên là được nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng: “Kiến nghị này rất nhân văn nhưng cũng không dễ dàng, bởi muốn thực hiện thì phải chờ kết quả Bộ VHTTDL làm việc với Bộ LĐ,TB&XH, thậm chí phải xin ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được thì Sở Du lịch cũng tính đến phương án kiến nghị đưa những hướng dẫn viên tự do (tức lao động không có giao kết hợp đồng lao động) trên địa bàn vào danh sách được hỗ trợ theo Nghị quyết số 84/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 26.8.2021. Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cấp hơn 45 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo Nghị quyết này, sẽ có hỗ trợ cho lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch (như lưu trú, dịch vụ du lịch…) với mức không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần”.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 3.500 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Thừa Thiên Huế đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (trong đó hơn 300 người đã tiêm đủ 2 mũi). Theo Sở Du lịch, nguồn nhân lực của ngành du lịch khá đông, do đó cũng mong muốn mở rộng số lượng người được tiêm để sẵn sàng đón và phục vụ nguồn khách mà hiện nay là khách tại chỗ. Mới đây, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch về phương án mẫu tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương châm “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến” cho các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có 9 doanh nghiệp đăng ký và cần có hơn 20 khách sạn tham gia phục vụ nhu cầu lưu trú tập trung cho lực lượng lao động. Theo đại diện Sở Du lịch, để đảm bảo an toàn và phục vụ tốt nhu cầu này, thì lực lượng lao động làm việc trong các khách sạn cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Qua rà soát, cập nhật danh sách từ các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn, còn khoảng 3.000 lao động trong lĩnh vực du lịch mong muốn được tiêm vắc xin.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhiều nhân viên ở các khách sạn, nhà hàng tại Thừa Thiên Huế đã chuyển đổi nghề nghiệp, chủ yếu là chuyển sang bán hàng online, chế biến thực phẩm, môi giới bất động sản và xin vào làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp. Việc hỗ trợ cho lực lượng lao động du lịch tuy không nhiều, song rất cần để động viên, tạo niềm tin và động lực để họ có thể “trở lại” với nghề sau khi dịch bệnh được khống chế.