Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: “Giáo lý nhà Phật không có sao tốt, sao xấu”
18/02/2019 | 17:07Trước thực trạng bùng nổ các hoạt động dâng sao giải hạn tại các đền, chùa, phủ mỗi dịp đầu xuân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, biến tướng trong hoạt động cúng, dâng sao giải hạn đang trở nên ngày càng trầm trọng. Mong ước chính đáng của người dân đang bị lợi dụng và bị biến thành nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ mang tính trục lợi.
“Nếu không kịp thời có những giải pháp để khắc phục hiện tượng này, để niềm tin của người dân bị lạm dụng thì không những không mang lại sự bình yên, hạnh phúc thực sự mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân. Không thể chỉ trông chờ việc dâng sao giải hạn mà thoát khỏi những rủi ro, không may mắn…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Cứ đến hẹn lại lên, Lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào rằm tháng giêng khiến một đoạn đường dài khoảng 200m nối từ đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi bị tê liệt hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Khánh
Lợi dụng nhu cầu chính đáng để trục lợi
Nhiều ngôi chùa, đền, phủ những ngày này luôn trong tình trạng quá tải người đến đăng ký dâng sao giải hạn dịp đầu năm. Không còn hiếm thấy cảnh tượng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người ngồi tràn lòng đường, xếp hàng dài cả cây số để vái vọng dâng sao như tại chùa Phúc Khánh, hay những sân chùa chật nghẽn như Quán Sứ, Một Cột… Thậm chí, cả những ngôi chùa trong làng, trong ngõ thì những ngày đầu năm cũng liên tục quá tải vì dâng sao giải hạn.
Theo Viện Nghiên cứu tôn giáo, nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân đang theo xu thế năm sau cao hơn năm trước. Trong một khảo sát của Viện, hầu hết người được hỏi đều trả lời rằng có nhu cầu và từng làm dâng sao giải hạn.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, con người ai cũng có những nhu cầu hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. "Cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, bình an, may mắn và thậm chí là ăn nên làm ra, giàu có…, tất cả đều là những nhu cầu, mong ước chính đáng của con người. Đó cũng là một phần lý do mà nhiều người dân đã tìm đến các lễ hội, các di tích đình, đền, chùa dịp đầu năm để cầu mong nhiều may mắn", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng, xuất phát từ những nhu cầu đúng đắn và chính đáng đó, bản thân mỗi con người cần phải nỗ lực và rèn luyện để đạt được. "Nếu để được thỏa nguyện, đạt được mọi điều mong ước mà chỉ dễ dàng với những niềm tin, sự trông chờ may rủi bằng việc cúng sao giải hạn thì hoàn toàn không đúng với giáo lý nhà Phật như các Thượng tọa, Hòa thượng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đã nghiên cứu, phân tích…", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Thượng tọa Thích Nhật Từ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cũng đã khẳng định, trong kinh Phật, Đức Phật dạy rằng bất kỳ ai làm nghề cúng sao, bói toán, đoán hưng suy, vận hạn... đều thuộc về nghề phi pháp theo đạo đức Phật giáo. Kinh Phật cũng không có thần sao chiếu mệnh, cũng không có vận hạn tốt, xấu. Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thiện Tánh (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho rằng, không phải đi chùa càng nhiều, dâng lễ càng nhiều là gặp được toàn điều tốt.
"Có dâng đến ngàn vạn lần thì các ngôi sao vẫn vận động như thế, không thay đổi. Vì thế, không thể ảnh hưởng đến số phận của con người. Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, có thiện tâm, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tinh thần sẽ thanh thản", theo GS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền.
Cũng với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: "Để đạt được những mong ước, nhu cầu chính đáng của con người, từ sức khỏe, đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì bản thân mỗi chúng ta ở những điều kiện, hoàn cảnh và vị trí của mình đều luôn cần phải nỗ lực trong học tập, làm việc; trong đời sống thường ngày luôn cần tu tâm dưỡng tính, tích đức, hành thiện, biết chia sẻ và yêu thương… Qua đó mới tạo được duyên lành, làm điều lành tránh điều dữ, thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách đúng đắn để có những đóng góp xứng đáng cho cuộc đời.
Chỉ khi những điều đó được thực hiện thì mỗi người mới mong nghiệp xấu được tiêu trừ, mới tránh được vận hạn và từ đó có được cuộc sống an vui, hạnh phúc. Bất cứ ai cũng không thể trông chờ cuộc sống tốt đẹp hơn lên nhờ vào việc dâng sao giải hạn", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ.
Giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, theo nhiều vị chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Nhưng trên thực tế, việc cúng sao giải hạn đang ngày càng phát triển về số lượng và có nhiều biến tướng trầm trọng. "Khi đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao, thậm chí như một phong trào. Rất khó có thể nói dâng sao giải hạn là chính tín hay mê tín, nhưng nếu cứ chứng kiến cảnh tượng hàng ngàn người xếp hàng dâng sao giải hạn mới thấy sự cần thiết phải sớm có những giải pháp kịp thời", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, hậu quả của việc cúng giải hạn không chỉ khiến các gia đình tốn kém tiền của mà nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến sự mất mát niềm tin, thiếu những định hướng đúng đắn. "Nếu có sao xấu và cúng giải được thì với tình trạng nhà nhà cúng sao, người người dâng sao như hiện nay thì chắc trong cuộc sống sẽ không ai gặp phải điều không may mắn cả. Việc thực hành một số nghi lễ văn hóa, trong đó khá nặng nề là hoạt động cúng sao giải hạn đang trở nên lệch lạc. Tuy nhiên, hoạt động này dường như đã trở thành một tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân mà các nhà quản lý văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cần sớm có giải pháp chấn chỉnh…", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Thứ trưởng cũng cho rằng, dâng cúng sao giải hạn cũng như nhiều nghi lễ tín ngưỡng khác đều là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân. Cho nên, muốn chuyển biến từ gốc rễ thì không gì khác là phải tăng cường các giải pháp tuyên truyền. Chỉ khi người dân hiểu ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng thì họ mới dần dần từ bỏ. Không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc cũng như không thể mong muốn có chuyển biến ngay trong một thời gian ngắn được.
"Nhiều Thượng tọa, Hòa thượng đã lên tiếng rằng sao tốt, sao xấu là xuất phát từ tâm con người. Vấn đề cốt lõi là người dân phải biết tu tâm. Vì vậy, các nhà quản lý, khoa học và giới nghiên cứu cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự thấy rằng không thể chỉ mê muội tin theo dâng cúng để hóa giải mọi điều xui xẻo mà quên đi sự cần thiết là phải tu tâm dưỡng tính.
Mùa lễ hội năm 2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị tăng ni trên toàn quốc kêu gọi các Phật tử không đốt vàng mã. Văn bản này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận và quần chúng nhân dân. Tôi cho rằng trong hoạt động cúng dâng sao giải hạn cũng vậy, nếu như Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục lên tiếng cảnh tỉnh, khuyến cáo việc dâng sao ở các chùa dịp đầu năm thì sẽ giúp cho người dân hiểu, tự nhận thức và có định hướng đúng đắn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.