Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành du lịch tăng cường liên kết, hành động để phát triển

29/12/2020 | 16:55

Sáng 29/12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, Triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam bước vào năm 2020 vẫn kế thừa và trên đà tăng trưởng cao của giai đoạn 2016-2019. Trong tháng 1, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 triệu lượt, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát ngay sau đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch trong cả nước.

Từ cuối tháng 3, hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đã ngưng trệ, du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2020, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề ra đều giảm mạnh, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Khách nội địa ước đạt 5.6 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 321.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương 19 tỷ USD.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành du lịch tăng cường liên kết, hành động để phát triển - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, năm 2020, Việt Nam vẫn tiếp tục được bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và Thế giới. Trong đó, khu vực châu Á, Việt Nam được bình chọn là Điểm đến Di sản hàng đầu, Điểm đến Văn hóa hàng đầu, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu, Điểm đến Golf tốt nhất. Ở tầm thế giới, Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới.

Ngành Du lịch đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, tập trung triển khai nhiều giải pháp để đạt được các kết quả tích cực như: Kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Bộ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đặc biệt đã ban hành Bộ tiêu chí đảm bảo an toàn COVID-19 trong kinh doanh tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.

Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với doanh nghiệp để báo cáo Bộ đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực (giảm giá điện áp dụng đối với các cơ sở lưu trú; giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch, giảm một số phí, lệ phí...).

Nỗ lực nghiên cứu, đề xuất và triển khai có hiệu quả 2 chương trình kích cầu du lịch sau mỗi đợt dịch được kiểm soát để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, góp phần phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp.

Kịp thời định hướng chuyển đổi khai thác từ thị trường từ quốc tế sang nội địa, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp nhu cầu của khách du lịch trong bối cảnh mới, mở ra hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Uy tín và thương hiệu của du lịch Việt Nam tiếp tục được duy trì, bạn bè quốc tế đánh giá cao thông qua việc bầu chọn điểm đến du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam với nhiều giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia thì ngành du lịch chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được kiểm soát và các hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ Quý III năm 2021, tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2,5 đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát đại dịch COVID-19. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế, vì vậy cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và cả các nước trong khu vực dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn, đây cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho quá trình hồi phục du lịch Việt Nam. Mặt khác, sau đại dịch, nhu cầu thị hiếu du lịch thay đổi nên ngành du lịch cần có các giải pháp để thích ứng với giai đoạn mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận về các giải pháp phục hồi du lịch trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, triển khai hoạt động du lịch an toàn, tiếp tục đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, giải pháp quản lý một số loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch nhằm vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động trong năm 2020.

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của đất nước, vì vậy, ngành du lịch cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thể hiện khát vọng phát triển trong thời kỳ mới.

Thứ trưởng yêu cầu, năm 2021 với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển” Tổng cục Du lịch cùng ngành du lịch cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong đó đầu tiên là tăng cường liên kết trong ngành du lịch để phát triển các sản phẩm du lịch, triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch. Thứ trưởng nêu vấn đề liên kết ngay trong các đơn vị của Bộ VHTTDL với Tổng cục Du lịch hiện còn chưa tốt. Trong khi chúng ta vẫn đang tìm kiếm sản phẩm du lịch nhưng Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó là việc liên kết với các địa phương, hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch.

Thứ trưởng yêu cầu tập trung vào công tác xây dựng thể chế, rà soát đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường quốc tế khi Chính phủ cho phép, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng lượng và tăng chất, nâng cao chất lượng khách, định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường khách.

Tập trung tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa.

Tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, bản đồ du lịch…

Quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao ở cả cơ quan quản lý nhà nước và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.

Hà An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×