Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải là một địa chỉ “đỏ” trong tương lai
27/08/2020 | 20:04Sáng nay (27/8), tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LVHDLCDTVN).
Đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý LVHDLCDTVN cho biết, theo Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 12/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển LVHDLCDTVN đến năm 2015, Làng có 10 dự án thành phần được xác định đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước có hạn nên đến nay chỉ mới cấp được khoảng 50% so với kế hoạch. Do vậy, Ban Quản lý chỉ mới triển khai được 7 dự án, 3 dự án còn lại đề xuất chuyển sang thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Về khai thác vận hành, ông Trịnh Ngọc Chung cho hay, từ cuối năm 2015 đến nay, tại Làng đã có 16 dân tộc hoạt động thường xuyên: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La)…Trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 lượt khách tham quan đến với LVHDLCDTVN.
Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, LVHDLCDTVN cũng tổ chức nhiều sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị sâu sắc như: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam”.
Song song với những kết quả đạt được, ông Trịnh Ngọc Chung cho rằng, khó khăn nhất làm ảnh hưởng đến hoạt động của LVHDLCDTVN hiện nay đó là: Do các dự án chưa thi công xong nên bộ mặt của Làng thiếu tính đồng bộ; Việc huy động các đồng bào dân tộc đến hoạt động tại Làng chưa nhận được sự phối hợp từ nhiều địa phương; Việc chưa định hình rõ mô hình hoạt động trong thời gian qua ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ nhân viên cũng như đồng bào dân tộc.
“Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách tham quan đến với LVHDLCDTVN giảm mạnh, 8 tháng chỉ có khoảng 94.000 lượt khách. Nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu đón 700 - 800.000 lượt khách trong năm 2020” - ông Trịnh Ngọc Chung cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, nhiều lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ VHTTDL cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc hiện nay của LVHDLCDTVN.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, sản phẩm du lịch tại LVHDLCDTVN hiện nay chưa hoàn chỉnh, chưa tạo nên sức sống. Ngoài ra, Làng còn thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Theo ông Ngô Hoài Chung, muốn thúc đẩy khách du lịch đến với Làng cần phải hình thành sản phẩm văn hóa - du lịch và coi đây là sản phẩm chủ đạo để du khách khi đến làng được đắm mình trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc. “Làng phải xác định khách nội địa mà trong đó là Thủ đô Hà Nội là ưu tiên số 1, đây chính là thị trường lớn của LVHDLCDTVN” - ông Chung nêu quan điểm.
Làm Văn hóa cần phải nhìn được “cái lợi” về lâu dài
Điểm qua một vài điểm nhấn trong từng giai đoạn phát triển, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Làng đã đi đúng hướng với việc hình thành nhiều hoạt động mang tính thương hiệu. Từ đó để thấy rằng, nơi đây đã dần khẳng định là một “Ngôi nhà chung” thực sự cho các đồng bào dân tộc đang sinh sống, hoạt động tại Làng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, nếu muốn phát triển xa hơn thì Ban Quản lý LVHDLCDTVN phải thẳng thắn nhìn lại quá trình vừa qua. Nếu không sẽ rất khó để định hướng cho chặng đường tiếp theo.
Theo Thứ trưởng, mục tiêu ngay từ đầu của Đảng, Nhà nước đã đặt ra cho Làng là phải bảo tồn, phát huy và khai thác di sản văn hóa của 54 dân tộc. Hơn ai hết, Làng phải bám sát mục tiêu này và nếu xa rời mục tiêu này thì chắc chắn sẽ đi chệch hướng.
Cũng theo Thứ trưởng, mặc dù đã tuân thủ các mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua nhưng so với yêu cầu đặt ra thì việc xây dựng tổng thể tại Làng vẫn còn chậm. Đội ngũ cán bộ dù đông nhưng vẫn chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm.
Cùng với đó, dù đã có bề dày nhưng đến thời điểm này Làng vẫn chưa ổn định mô hình tổ chức, cơ chế chính sách cũng như phương thức hoạt động. “Rõ ràng vấn đề này tác động nhiều đến hoạt động của Làng thời gian qua” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết những người đang công tác tại Làng phải thể hiện được khát vọng cống hiến, tâm huyết, đam mê về làm văn hóa. Theo đó, những người làm Văn hóa cần phải nhìn được “cái lợi” về lâu về dài.
“Khi đã xác định điều đó rồi thì cần phải đặt ra mục tiêu để cụ thể hóa bằng các hành động thực tiễn”, Thứ trưởng yêu cầu và nhấn mạnh: “Trong tương lai, Làng VHDLCDTVN phải là địa chỉ “đỏ” của du lịch về văn hóa, giáo dục, tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Cùng với đó, lãnh đạo Làng cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ để tập trung nghiên cứu mô hình, tổ chức bộ máy trên tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn và phát huy hiệu quả. Sau khi có sự thống nhất với UBND thành phố Hà Nội thì sẽ báo cáo lên Thủ tướng. “Chậm nhất trong tháng 10/2020, phải gỡ được vấn đề này” - Thứ trưởng yêu cầu.
Sau khi đã thống nhất được mô hình hoạt động, tiếp đó sẽ thực hiện thi tuyển theo hướng thu hút nhân tài để lựa chọn các cán bộ phù hợp. “Cần ưu tiên cán bộ giỏi chuyên môn và làm việc được trong môi trường quốc tế. Chúng ta phải đi tìm cán bộ chứ không để cán bộ tìm mình, như vậy mới tìm được người tài thực sự” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Làng cần phải tập trung xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của từng năm và nhiệm kỳ 5 năm để đón đầu và tháo gỡ những điểm “nghẽn” thời gian qua. Đồng thời, Làng phải chủ động rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với dự báo phát triển. “Nếu không có định hướng, tầm nhìn, bám vào trục động lực phát triển thì rất khó để đi đúng hướng” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu Làng khẩn trương xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số đến sinh sống và phát huy bản sắc văn hóa tại Làng. “Đề án này được xây dựng trên cơ sở phối hợp với các tỉnh, có thể trước mắt là 4 tỉnh. Bộ sẽ đứng ra chủ trì để ký Đề án với các tỉnh. Khi có được đề án thì việc vận động bà con sẽ không còn khó khăn như hiện nay” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cuối cùng, Thứ trưởng yêu cầu, sau khi đã được Chính phủ đồng ý về mô hình hoạt động gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đầu năm 2021, Làng sẽ tiến hành Hội nghị xúc tiến đầu tư để tìm được nhà đầu tư chiến lược. “Chúng ta phải lựa chọn nhà đầu tư không bị bất kỳ một lợi ích nào chi phối. Nếu được, sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư ngay tại hội nghị này” - Thứ trưởng nêu rõ.