Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hoá, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm

02/05/2019 | 11:47

Sáng 2/5, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, phiên hiến kế về du lịch với chủ đề thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam đã diễn ra với việc thu hút nhiều đại biểu tham dự.

Đồng chủ trì phiên hiến kế này là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng.

Bộ VHTTDL sẽ báo cáo Chính phủ cải thiện mạnh mẽ những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượt khách du lịch quốc tế không ngừng gia tăng và nguồn thu từ du lịch cũng tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, để phát triển ngành du lịch, các rào cản cần được tháo gỡ để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động trong ngành du lịch.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng chia sẻ, Chính phủ đang ưu tiên du lịch thành kinh tế mũi nhọn tạo động lực cho các ngành khác. Các dịch vụ đi kèm được quan tâm đầu tư, nhiều dự án đã được đưa vào khai thác, chất lượng điểm đến được quan tâm, xúc tiến du lịch giữa nhà nước và tư nhân. Ngành du lịch chú trọng tới các yếu tố công nghệ gia tăng quảng bá.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hoá, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, để du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp thì Bộ VHTTDL cho rằng còn có rất nhiều việc cần tiếp tục làm, tiếp tục cải thiện, cần sự đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của tất cả các bên để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài.

Chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại của ngành du lịch, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng, dự kiến đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói.

Trong thời gian tới ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hóa và đề xuất các giải pháp như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, cần thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hóa cao. Đa dạng thị trường nguồn, phát triển thị trường chi tiêu cao như Nhật, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đồng thời cần tạo điều kiện visa thuận lợi, thu hút khách chi trả cao, du lịch tàu biển; tập trung khả năng kết nối hàng không, nâng cao năng lực vận tải hành khách của các hãng; quản lý điểm đến, môi trường, an toàn an ninh cho du khách; chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, chuyên nghiệp cho nhân lực ngành du lịch từ cấp thấp đến quản lý cao cấp…

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL quyết tâm phát triển kinh tế đất nước bằng du lịch là quyết tâm rất cao và kiên định của toàn ngành du lịch. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cải thiện mạnh mẽ những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, khâu thực thi hiện còn là rào cản để thể hiện quyết tâm này và tạo động lực cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hoá, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên hiến kế.

Đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt

Với chủ đề thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam, tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã đóng góp sôi nổi.

Về cải thiện chính sách thị thực (visa), ông Trương Tấn Sơn, Giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn, Saigon Tourist cho hay, thủ tục cấp visa của chúng ta khiến những người xin cảm thấy không được chào đón. Do đó, ông Sơn đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên. Ngoài ra, tờ khai nhập cảnh cũng cần cải tiến, bỏ bớt một số nội dung và thêm các nội dung cần thiết khác để có cơ sở cho thu thập dữ liệu cho ngành du lịch…

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho biết, hiện các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí? Ông Sơn đặt câu hỏi Việt Nam đã có những sản phẩm thương mại quốc gia chưa để du khách mua về làm quà cho người thân. Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có xì gà…

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Ngành du lịch cần chú trọng trải nghiệm văn hoá, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel.

Tại diễn đàn, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel cho biết nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được. "Chúng tôi đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt. Ví dụ, Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe Formula 1, SEA Games, Festival Huế… những năm tới chẳng hạn"- ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp cũng cho nhiều ý kiến về cơ sở hạ tầng, năng lực cạnh tranh của ngành và chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.

Cùng với phiên du lịch, sáng 2/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, một loạt các phiên nội dung khác cũng diễn ra như, kinh tế số; CPTPP; vốn trung dài hạn; chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản; khởi nghiệp.

Buổi chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ khai mạc Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019./.


Song Đào

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×