Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tiếp Trưởng Ban Chương trình quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á

24/05/2012 | 09:15

(VP) - Chiều 22/5, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với bà Yumiko Tamura - Trưởng Ban chương trình quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Dự án Phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê kông mở rộng giai đoạn 2013-2015.

Cùng tham dự buổi làm việc về phía Bộ VHTTDL có ông Hồ Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính; ông Trần Văn Ngợi, Giám đốc Ban Dự án quốc gia; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Hợp tác quốc tế. Về phía Đoàn Chương trình Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á có ông Steven Schipani, Chuyên gia cao cấp của ADB cùng các cán bộ của chương trình.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Yumiko Tamura cho biết: Trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, Đoàn sẽ thảo luận và đánh giá về những nội dung chương trình hỗ trợ mà ADB đã dành cho Việt Nam giai đoạn 2013-2015, đặc biệt là các dự án liên quan đến Bộ VHTTDL (dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng). Thông qua đợt đánh giá này, ADB mong muốn dự án được triển khai nhanh nhất và có hiệu quả.


Bà Yumiko Tamura phát biểu tại buổi tiếp

Bà Yumiko Tamura cũng cho rằng, hiện tại sức cạnh tranh để thu hút nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đang rất khó khăn, do đó ADB muốn đảm bảo rằng, trong giai đoạn 2013-2015 dự án phát triển du lịch của Việt Nam cần phải được thiết kế chu đáo và cẩn thận để thu hút được nguồn vốn này.

Theo ông Steven Schipani, Chuyên gia cao cấp của ADB, Dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mà ADB dành cho Việt Nam đã đem lại lợi ích cho rất nhiều địa phương, nhiều điểm du lịch có quy mô nhỏ đã trở thành những điểm thu hút khách du lịch với số lượng đông đảo. Trong thời gian tới ADB đề nghị Bộ VHTTDL nói chung và Ban quản lý dự án quốc gia cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa lợi ích của du lịch đến với nhiều tỉnh, thành chưa có điều kiện phát triển.

Tại buổi làm việc, ông Steven Schipani đã đánh giá về hiệu quả của dự án trong giai đoạn hai. Theo đó, thông qua nguồn vốn đầu tư này đã cải thiện hệ thống giao thông vận tải để tiếp cận các điểm du lịch và trong số các nguồn vốn dành cho du lịch thì có đến 70% dành cho phát triển cơ sở hạ tầng. ADB cũng đã dành một nguồn vốn nhất định cho hỗ trợ phát triển nhân lực và quảng bá xúc tiến phát triển điểm đến.


Toàn cảnh buổi tiếp

Ông cũng cho biết, ngày 11/6 tới sẽ có hội nghị chung trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giữa Việt Nam-Lào-Campuchia. Do đó, trong thời gian tới dự án sẽ mang tính chất liên vùng, Bộ VHTTDL cần phải thảo luận với các nước trong khu vực về dự án phát triển du lịch này.

Đánh giá cao kết quả của dự án mà ADB hỗ trợ cho du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định, sự giúp đỡ của ADB đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới Ban Dự án quốc gia và ADB cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng triển khai không đồng đều giữa các giai đoạn của dự án. Trong giai đoạn 3 của dự án, hai bên cần bàn bạc kỹ để hài hoà giữa nhu cầu thực tế của Việt Nam và khả năng của ADB.

Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng nằm trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng, ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ cho Việt Nam, Lào, Campuchia dự án “Phát triển bền vững du lịch tiểu vùng sông Mê Kông”, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững du lịch của các nước thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hỗ trợ người nghèo và hợp tác tiểu vùng về du lịch.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn một: Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê kông, thời gian thực hiện: 2003-2009, với tổng vốn đầu tư là 12,2 triệu USD và được thực hiện ở các địa điểm: An Giang, Tiền Giang, Hà Nội, Lào, Campuchia.
Kết quả đã đạt được trong giai đoạn này là: Hoàn thành tốt các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp cơ sở vật chất cho các địa phương, tiêu biểu là: Xây dựng cầu tàu Du lịch Mỹ Tho, Cầu tàu du lịch Châu Đốc, trạm kiểm soát liên hiệp Vĩnh Xương, khu xử lý rác thải núi Sam…; Du lịch cộng đồng gắn xóa đói giảm nghèo đã hoàn thành 135 hoạt động có hiệu quả; Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông hoàn thành 13 tiểu dự án với Lào, Camphuchia và 4 nước còn lại; Triển khai thành công 8 khóa đào tạo theo qui định trong dự án phát triển nguồn nhân lực… Giai đoạn một của dự án đã được ADB kiểm tra và đánh giá cao về tính hiệu quả, đạt được yêu cầu về tính bền vững trong phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương…
Giai đoạn hai: Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, thời gian thực hiện từ 2009-2014 tại các địa điểm ở Việt Nam là: Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội và một số địa phương của Lào với tổng vốn đầu tư 11,792 triệu đô la. Các hoạt động được triển khai ở giai đoạn hai gồm: Thực hiện 250 hoạt động về du lịch cộng đồng gắn xóa đói giảm nghèo; Hợp tác tiểu vùng Việt Nam-Lào; Xây dựng biển quảng cáo du lịch dọc hành lang kinh tế Đông-Tây, quảng cáo các sản phẩm Du lịch trên các tạp chí quốc tế; Phát triển đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức 26 khóa đào tạo trong nước và nước ngoài cho các cán bộ quản lý…
Giai đoạn ba của dự án hiện tại đang được Ban quản lý Dự án và Cơ quan chủ quản là Bộ VHTTDL lên kế hoạch thực hiện, dự kiến sẽ bắt đầu khởi động vào năm 2013.


HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×