Thứ trưởng Đoàn Văn Việt làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận
30/06/2022 | 16:31Sáng 30/6, tại trụ sở Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cùng đại diện các đơn vị của bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận về công tác phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy bền vững giá trị đối với các di tích, di sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Báo cáo một số nội dung về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hoà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là vùng đất hội tụ khá đầy đủ các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và di tích lịch sử đặc thù để phát triển du lịch thành vùng động lực của du lịch Việt Nam.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành du lịch Ninh Thuận đã có bước phát triển nhanh, toàn diện, trở thành một trong những ngành kinh tế động lực, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Sức hấp dẫn từ các loại hình du lịch đa trải nghiệm đã góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận ngày càng tăng.
Về tình hình và kết quả thực hiện công tác văn hoá, thể thao và du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022, theo ông Nguyễn Văn Hoà, do tình hình dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng, linh hoạt, sáng tạo, tích cực tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực; nhất là hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có bước phục hồi và tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn phát triển chậm so với các tỉnh trong khu vực; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc; còn ít các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút du khách lưu trú dài ngày. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, công tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố còn hạn chế. Một số dự án du lịch đầu tư còn kéo dài, chậm tiến độ. Doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận tương xứng với tiềm năng, lợi thế; xây dựng tỉnh trở thành điểm đến mới với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao, đồng thời phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm phát triển du lịch mới của khu vực Nam Trung Bộ, tứ giác phát triển du lịch Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận - Lâm Đồng trong giai đoạn tới; UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa quan tâm, hỗ trợ tỉnh nguồn kinh phí để bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp của các di tích Quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch.
Đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, phối hợp với Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; đồng thời hỗ trợ tỉnh trong triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, hỗ trợ tỉnh kinh phí để phục hồi, tái hiện di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia Bẫy đá Pinăng Tắc (vùng đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, thuộc Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái) và các di tích cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện lập quy hoạch đối với di tích Pô Klông Garai và tháp Hòa Lai gắn với phát triển du lịch đến năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm, xem xét, đồng ý chủ trương cho tỉnh Ninh Thuận đăng cai tổ chức một số hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Ninh Thuận.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Ninh Thuận có rất nhiều tiềm năng về tự nhiên cũng như lịch sử văn hóa để phát triển du lịch, là địa phương nằm trong chuỗi liên kết phát triển của khu vực, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch.
Với đường biển đẹp và dài hơn 100km, Ninh Thuận có nhiều vịnh biển đẹp, kết nối với những rặng núi cuối cùng của dãy Trường Sơn tạo nên những nét rất độc đáo. Ninh Thuận cũng có kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi, từ đường bộ đến hàng không. Đặc biệt, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt nếu được khôi phục sẽ tạo ra sản phẩm độc đáo, phục vụ rất tốt cho phát triển du lịch.
Văn hóa phi vật thể của Ninh Thuận có nhiều nét nổi trội, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Chăm với dệt thổ cẩm, đồ gốm. Trong đó, Bàu Trúc là làng gốm rất nổi tiếng cần tiếp tục xúc tiến quảng bá, giới thiệu.
Du lịch nông nghiệp của Ninh Thuận cũng có nhiều thuận lợi, tuy là vùng đất khô nóng với lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước nhưng chính điều kiện đó đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, đặc biệt là nho, muối, thậm chí cả lan hồ điệp. Những điều đó đã tạo ra dòng khách du lịch rất riêng cho Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Ninh Thuận là rất lớn, biến Ninh Thuận từ địa phương có thu ngân sách rất thấp đã chuyển thành địa phương có thu ngân sách cao sau khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bộ mặt tỉnh Ninh Thuận trong thời gian vừa qua đã những thay đổi rất lớn.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Bộ VHTT&DL cùng các đơn vị của bộ cơ bản thống nhất và ủng hộ các đề xuất của tỉnh. Các kiến nghị, đề xuất nằm trong thẩm quyền xử lý của Bộ VHTT&DL sẽ được quan tâm giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi cho Ninh Thuận./.