Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Các lễ hội không được thực hiện ngoài kịch bản

09/02/2017 | 18:31

Ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ VHTTDL đến kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại Đền Trần Thái Bình và Đền Trần Thương (Hà Nam).

Tại các điểm di tích, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương, tổ chức lễ hội phải đảm bảo an toàn, an ninh, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân đồng thời tuyệt đối không thực hiện các nghi thức ngoài kịch bản được phê duyệt.



Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại Đền Trần Thái Bình (ảnh Minh Khánh).


Cụ thể, tại Đền Trần Thái Bình, ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Trưởng BTC lễ hội Đền Trần Thái Bình 2017 cũng báo cáo với đoàn công tác về những điểm mới của Lễ hội năm nay. Theo kế hoạch được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2017 diễn ra trong năm ngày, từ 9/2 đến 14/2 (tức từ 13- 18 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội sẽ bảo tồn nguyên vẹn các nét văn hóa truyền thống như lễ tế mở cửa đền; lễ rước nước (thủy và bộ); thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi vật cầu, thi kéo lửa nấu cơm cần, thi kéo co…

Tâm điểm của Lễ hội là đêm khai mạc, bắt đầu từ 20 giờ 10 phút đến 22 giờ, ngày 9/2, với diễn văn khai mạc ngắn gọn, sau đó là màn trống hội và múa lân, rồng. Kết thúc là chương trình nghệ thuật với vở chèo “Đời luận anh hùng” diễn ra trong 120 phút, do tập thể nam, nữ diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn. Nội dung nói về thân thế, sự nghiệp của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ.

Ông Bình cũng cho biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện lộ trình bàn giao dần lễ hội cho cộng đồng. Vì vậy, lễ hội có sự phối hợp tổ chức của dòng họ Trần Thái Bình, đồng thời nhiều sự kiện được UBND huyện giao cho dòng họ Trần Thái Bình thực hiện.



Thứ trưởng yêu cầu, BTC lễ hội Đền Trần Thái Bình có phương án đảm bảo an ninh, an toàn lễ hội.


Điểm mới của lễ hội năm nay là có chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng tạo không khí phấn khởi cho nhân dân đến với lễ hội, thu hút đông giới trẻ tham dự…

Ông Nguyễn Hoàng Giang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng báo cáo với đoàn công tác về những khó khăn của tỉnh trong việc tìm ra sản phẩm du lịch lễ hội đặc trưng và mong muốn có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong việc quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Thái Bình.

Sau khi kiểm tra thực tế tại điểm di tích, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của địa phương trong công tác tổ chức lễ hội. Cụ thể, BTC lễ hội đã có kịch bản lễ hội, thành lập BTC, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy….nhằm tạo không khí vui xuân phấn khởi trong nhân dân.

“Văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực nhưng cũng là nguồn lực. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo tinh thần phấn khởi trong nhân dân, tạo công ăn việc làm… đó chính là động lực phát triển của địa phương”- Thứ trưởng khẳng định.


Thứ trưởng và đoàn công tác kiểm tra tại Đền Trần Thương (ảnh Minh Khánh).


Thứ trưởng yêu cầu, BTC lễ hội có phương án đảm bảo an ninh, an toàn lễ hội bằng văn bản; hoàn thiện hồ sơ BTC lễ hội và lưu ý không được thực hiện những việc ngoài kế hoạch lễ hội. Thứ trưởng cũng lưu ý, công tác an ninh, an toàn trật tự lễ hội phải được đảm bảo tuyệt đối; công tác tuyên truyền gắn với giá trị di tích, với các di tích của các tỉnh xung quanh phải được chú trọng thực hiện nhằm phát triển du lich của địa phương.

Về những đề xuất của địa phương, Thứ trưởng giao Cục Di sản hướng dẫn tỉnh thực hiện quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần Thái Bình, theo đó, những nghi thức nào cần phục dựng phải được làm rõ, có tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học và báo cáo về Bộ trước tháng 9/2017.



Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên hoan nghênh sự chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc vận động được nhiều nguồn lực vào cuộc trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đền Trần Thương (Ảnh: Minh Khánh).


Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại Đền Trần Thương (Hà Nam).

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Hà Nam, năm nay, cơ sở vật chất của Đền Trần Thương đã được đầu tư, tạo khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng hơn cho du khách và nhân dân đến lễ hội. Cụ thể, khuôn viên trước đền Trần Thương đã được mở rộng gấp ba năm 2016, BTC cũng có phương án phát lương cụ thể và bài bản nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân dự lễ phát lương.



Thứ trưởng kiểm tra việc sắp xếp hàng quán tại các điểm di tích (ảnh Minh Khánh).


Đặc biệt, để phục vụ du khách thập phương đến với lễ hội, Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban phục vụ, gồm: Tiểu ban tuyên truyền - trang trí khánh tiết, tiểu ban nghi lễ, tiểu ban an ninh trật tự, tiểu ban y tế - vệ sinh môi trường và tiểu ban tài chính - hậu cần - vật tư trang thiết bị. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất với số người phục vụ khoảng 500 người. Đặc biệt, để nhân dân và du khách thập phương theo dõi được quá trình tổ chức lễ phát lương, Ban tổ chức sẽ treo 7-8  màn hình khổ rộng tại các địa điểm trên sân tâm linh của đền.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên hoan nghênh sự chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc vận động được nhiều nguồn lực vào cuộc trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đền Trần Thương và tổ chức Lễ hội Đền Trần Thương 2017. Với những việc đã làm tốt trong năm 2016, yêu cầu BTC lễ hội tiếp tục phát huy đồng thời chủ động tính toán, có phương án dự phòng, tránh những phát sinh không mong muốn trong lễ phát lương./.

Hồng Gấm - Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×