Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Bộ VHTTDL công bố quyết định của Thủ tướng về phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc

26/12/2016 | 14:21

Sáng 25/12, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Đặng Thị Bích Liên đã thay mặt Bộ VHTTDL công bố Quyết định số 2228 năm 2016 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025.

Tập trung khai thác thị trường khách du lịch cộng đồng, sinh thái, thể thao

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, Thái Nguyên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là các tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, trong đó nổi bật nhất là văn hoá trà Thái Nguyên, thắng cảnh Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá.

Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng Thái Nguyên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.


Thay mặt Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã công bố những nội dung chủ yếu của Quyết định số số 2228.

Theo đó, Quyết định nêu rõ, phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030 Khu DLQG Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Về phát triển thị trường khách du lịch, củng cố và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống. Tập trung khai thác có hiệu quả phân khúc thị trường khách du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao và khách thương mại gắn liền với đặc sản trà, văn hóa Trà Thái Nguyên.

Đồng thời ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch nội vùng, thị trường khách mục tiêu đến từ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Mở rộng thị trường từ các trung tâm phân phối khách lớn từ các TP lớn trong cả nước. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn, du lịch hội nghị hội thảo, trao đổi thương mại gắn liền với văn hóa trà.

Về phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chính là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ, đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng vườn quốc gia Tam Đảo (khu vực xã Quân Chu), hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.

Các sản phẩm du lịch bổ trợ, như: du lịch văn hóa - tâm linh, cắm trại, dã ngoại, nghỉ dưỡng cuối tuần; dịch vụ vui chơi giải trí và thể thao cao cấp; mua sắm; văn hóa ẩm thực…

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ 9 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, đó là giải pháp về Quy hoạch và quản lý Quy hoạch; về chính sách phát triển du lịch; về đầu tư; về phát triển kinh doanh và các doanh nghiệp du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu Khu du lịch; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; hợp tác, liên kết phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên và môi trường, an ninh quốc phòng.

Nghiên cứu xây dựng hồ sơ “Cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên” trình UNESCO

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã thông tin thêm về một chủ đề mà tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường công tác nghiên cứu hơn.

Đó là tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO ở thành phố Bonn, Cộng hòa liên ban Đức năm 2015, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã đề nghị các Cơ quan tư vấn của UNESCO triển khai Chủ đề nghiên cứu chuyên đề về Cảnh quan Trà Châu Á – tiềm năng trở thành di sản thế giới.

“Hiện nay Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) – Cơ quan tư vấn của UNESCO về lĩnh vực văn hóa đã đề nghị Việt Nam chuẩn bị Nghiên cứu chuyên đề về vấn đề này; đồng thời chúng ta cũng đã gửi tới ICOMOS chủ đề nghiên cứu “Cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên”- Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên chia sẻ.

Vì vậy, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, chúng ta cần bám sát Nghiên cứu chuyên đề của ICOMOS và Quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới về vấn đề này để tìm hiểu về tiềm năng xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận “Cảnh quan văn hóa trà Thái Nguyên” gắn với khu vực Hồ núi Cốc là Di sản Thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh Thái Nguyên với cộng đồng quốc tế./.

Thái Linh - Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×