Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) thích thú xem múa rối nước Việt Nam, trải nghiệm vẽ tranh dân gian Đông Hồ
09/09/2023 | 18:48
Ngay sau lễ khai mạc Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hoá Việt Nam tại Kanagawa 2023 với chủ đề "Gắn kết đến tương lai" vào sáng 9/9 tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản), ông Kuroiwa Yuji - Thống đốc tỉnh Kanagawa và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Trịnh Thị Thủy đã trải nghiệm các không gian văn hóa đặc sắc tại lễ hội.
Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hoá Việt Nam tại Kanagawa (Nhật Bản) năm 2023 tổ chức từ 09/9 -10/9/2023 tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa. Đây là sự kiện thường niên do Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Kanagawa tổ chức.
Thống đốc tỉnh Kanagawa thích thú với trải nghiệm vẽ tranh dân gian Đông Hồ.
Ông được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả hướng dẫn vẽ tranh và tặng ông bức tranh làm kỷ niệm
Lãnh đạo Bộ VHTTDL và tỉnh Kanagawa tham quan gian hàng của Bộ VHTTDL
Tại gian hàng trải nghiệm làm con rối và nặn tò he của Bộ VHTTDL, Thống đốc tỉnh Kanagawa đã tỏ ra rất thích thú dừng lại rất lâu.
Ông được các nghệ nhân tặng con rối.
Lãnh đạo tỉnh Kanagawa, Bộ VHTTDL Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đến xem chương trình nghệ thuật múa rối nước do Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn trong khuôn viên của lễ hội.
Ông Kuroiwa Yuji - Thống đốc tỉnh Kanagawa là người đề xuất tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa và ngược lại. Ông cho biết mình rất thích thú khi tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam
NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu về chương trình nghệ thuật đến các đại biểu
Tiết mục múa rối tại chương trình
Đông đảo người dân tỉnh Kanagawa nói riêng và Nhật Bản nói chung đến xem chương trình
Nghệ thuật múa rối nước thể hiện đậm nét sức sống và bản sắc văn hóa Việt Nam, do vậy được công chúng, nhất là du khách nước ngoài rất yêu thích...
Người dân đủ mọi lứa tuổi đến tham quan chương trình nghệ thuật
Trên thế giới có rất nhiều loại hình nghệ thuật múa rối khác nhau: Rối gậy, rối que, rối dây, rối tay, rối ngón, rối miệng, rối bóng... nhìn chung là các loại rối cạn, chỉ duy nhất Việt Nam có rối nước. Đó chính là đặc sản của văn hóa Việt, sản phẩm độc đáo của nền văn minh lúa nước gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật có tính nguyên hợp cao, có sự góp mặt của tích, của trò, của ca, múa, nhạc, diễn, hề kết hợp với âm thanh, ánh sáng, lời giáo trò, lời thoại, dàn nhạc, tiếng pháo... tạo nên những hiệu ứng mạnh và hấp dẫn người xem.
Nghệ thuật múa rối nước là sự kết tinh của óc sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người nông dân Việt Nam qua bao thế hệ.
Khác với múa rối thông thường, múa rối nước dùng mặt nước làm sân khấu. Nước không chỉ là nơi quân rối trình diễn mà còn là yếu tố cộng minh, cộng sinh, cộng hưởng. Mặt nước vừa là môi trường, khung cảnh, vừa là yếu tố hỗ trợ cho các con rối thể hiện những màn trình diễn đầy kỳ ảo, sinh động, bất ngờ, bí ẩn trước mắt người xem. Con rối từ một vật thể vô tri, vô giác, nhờ sự điều khiển khéo léo, tài ba của người nghệ nhân đã trở nên sống động như một sinh thể có hồn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cùng các đại biểu, nghệ sĩ chào và cảm ơn khán giả Nhật Bản.
Tiếp đó, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu tham quan một số gian hàng tại lễ hội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu tham quan gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
Dù đầu giờ sáng, thời tiết ở thành phố Yokohama có mưa nhưng vẫn rất nhiều người dân địa phương đến trải nghiệm tại lễ hội
Thời tiết càng về trưa trời càng khô ráo, hửng nắng nên số lượng du khách đến trải nghiệm tại lễ hội đông hơn.
Thế Công (Từ Kanagawa, Nhật Bản)