Thể thao Việt Nam 2018: Một năm nhiều dấu ấn mạnh mẽ
06/02/2019 | 07:36Chưa bao giờ thể thao Việt Nam lại mang lại nhiều dấu ấn quan trọng và mang lại những nguồn năng lượng tích cực tới như thế tới người hâm mộ và người luyện tập thể thao nước nhà như năm 2018. Nhân dịp năm mới 2019, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Khánh Hải đã trả lời Báo điện tử Tổ Quốc về chủ đề này.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, một năm đã qua, thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến ấn tượng. Xin Thứ trưởng điểm một vài điểm nhấn về những mặt mạnh của Thể thao Việt Nam trong năm qua?
Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Phát huy những thành công của Thể thao Việt Nam đã đạt được trong năm 2017, đặc biệt là những thành công vượt bậc tại ASIAD 2018, Thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên cả lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Điều đó được thể hiện qua các hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi, phát triển rộng khắp ở tất cả các đối tượng, địa bàn… thu hút hàng triệu người tham gia. Thể thao trong cộng đồng cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều địa điểm công cộng được lắp đặt thêm dụng cụ TDTT nhằm phục vụ như cầu tập luyện cho nhân dân. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có nhiều chuyển biến tích cực, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo triển khai hoạt động thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và võ cổ truyền trong các trường phổ thông; chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội; các tỉnh/thành đã tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tổ chức tập huấn, tổ chức dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện môn bơi của trẻ em. Qua đó, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh, số lượng trẻ em tử vong do đuối nước giảm rõ rệt theo từng năm.
Đại hội thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức thành công đã khép lại một chu kỳ phát triển của thể thao Việt Nam, kết quả Đại hội cho thấy sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao và đặc biệt là các môn thể thao Olympic, Asiad, điều này thể hiện ở 169 lượt phá kỷ lục Đại hội, 43 lượt phá kỷ lục quốc gia (trong đó 150 kỷ lục Đại hội, 32 kỷ lục quốc gia của các môn Olympic, Asiad).
Về thể thao thành tích cao, chúng ta đã tập trung đào tạo, tập huấn lực lượng vận động viên, các đội tuyển quốc gia tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để tham dự và thi đấu giành thành tích xuất sắc trên các đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới, trong đó ưu tiên đầu tư cho 62 VĐV, 16 HLV xuất sắc của 19 môn thể thao. Tại ASIAD 18, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thành tích 38 huy chương các loại, trong đó có 04 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 18 huy chương đồng, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương vàng ở những môn thể thao Olympic cơ bản là Điền kinh, Rowing, đội tuyển bóng đá nam lần đầu tiên lọt vào vòng bán kết, là 1 trong 4 đội tuyển đạt thành tích tốt nhất tại ASIAD, Á quân U23 châu Á và đội tuyển bóng đá quốc gia giành huy chương vàng giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á – AFF Suzuki Cup 2018.
Song song với việc phát triển phong trào TDTT và nâng cao thành tích thể thao trên trường quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thể dục thể thao và các địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách hoạt động thể dục thể thao tiếp tục được hoàn thiện. Đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV, với tỷ lệ 93,84% phiếu tán thành. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu và dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
- Phóng viên: Qua quan sát, nhiều hoạt động thể thao quần chúng, phong trào luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe của người dân ngày một nhiều hơn và đa dạng hơn. Nhiều phòng tập thể thao được mở ra tại các TP lớn, nhiều giải chạy cộng đồng được mở ra thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động thể thao quần chúng được Bộ VHTTDL đang thúc đẩy như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Như trên tôi đã chia sẻ, thể thao quần chúng ngày càng phát triển và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới. Như các bạn thấy, người dân hàng sáng, mỗi buổi tối luôn dành thời gian để chạy bộ tại các địa điểm công cộng. Nhiều cuộc thi chạy bộ được tổ chức trên nhiều tỉnh thành phố với sự tham dự của đủ mọi lứa tuổi, thu hút đông đảo quần chúng với nhiều niềm say mê, hứng khởi. Các phòng tập thể dục thể thao do tư nhân đầu tư được trang bị hiện đại, giáo trình tập luyện bài bản đã đáp ứng mọi nhu cầu cho người dân có mong muốn rèn luyện, nâng cao sức khỏe…Trong năm 2019, ngành thể dục thể thao tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng trên địa bàn cả nước, gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện thể dục, thể thao ở cơ sở; quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao thể thao trường học; người cao tuổi, người khuyết tật và công nhân lao động tại các khu công nghiệp góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân, đặc biệt trong đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, tạo nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao.
- Phóng viên: Về thể thao thành tích cao, thời gian qua, việc đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao có thế mạnh của Việt Nam được cho là có hiệu quả. Công tác này sẽ được thực hiện trong năm 2019 như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Trong năm 2018, Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã kết thúc kỳ Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 2018) một cách thành công nhất trong lịch sử các kỳ tham dự Đại hội. Điều này chứng minh rằng công tác huấn luyện, chuẩn bị của Thể thao Việt Nam đang dần đạt chuẩn so với các nước trong châu lục. Trong thời gian tới, định hướng của ngành vẫn tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm, các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad. Trọng tâm trước hết là các môn Olympic mà thể thao Việt Nam có thế mạnh như Bơi, Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ và nhóm môn cá nhân như Cử tạ, Taekwondo, Vật, Boxing, Kiếm…Chuẩn bị tốt lực lượng tham dự, thi đấu giành thành tích cao tại SEA Games 30 tại Philippines, Đại hội Thể thao bãi biển thế giới lần thứ 1 tại Mỹ, vòng loại Olympic, Paralympic 2020 và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.
- Phóng viên: Một điều không thể nói tới đó là môn thể thao vua- bóng đá năm qua đã mang tới cho người hâm mộ những niềm hy vọng trào dâng. Theo Thứ trưởng, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc như thế nào và năm 2019, chúng ta sẽ nhấn mạnh vào điều gì để đưa bóng đá Việt Nam phát triển vững chắc?
Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Chúng ta vừa chứng kiến một trong những sự kiện thành công nhất của bóng đá Việt Nam những ngày cuối năm 2018 vừa qua, đó là chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam tại AFF Cup, giữa năm, đội tuyển lọt vào vòng bán kết Asiad và đầu năm 2018, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đạt giải á quân U23 Châu Á. Sau nhiều năm, năm 2018, bóng đá ở một góc độ nào đó đã đáp ứng được những khát khao của người hâm mộ Việt Nam. Ở đâu, người hâm mộ cũng nói về thầy trò HLV Park Hang-seo với những niềm hy vọng mới. Cùng với đó, các giải bóng đá trong nước cũng đã kéo được lượng người hâm mộ tới sân vào mỗi cuối tuần một cách kỷ lục.
Phát huy những lợi thế đó, mục tiêu chính của bóng đá Việt Nam năm 2019 đó là đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chuẩn bị chu đáo cho các đội tuyển tham dự và đạt thành tích tại Vòng chung kết Asian Cup ngay sau dịp Tết Dương lịch 2019, vòng loại World Cup 2020, SEA Games 30 và các giải bóng đá quốc tế khác.
- Phóng viên: Để chuẩn bị cho SEA Games tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021, năm 2019, chúng ta sẽ tập trung vào các nội dung gì để các hoạt động này được tổ chức hiệu quả thưa ông?
Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Năm 2018, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng Đền án; Ban Cán sự Đảng Bộ đã có tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021 tại TP Hà Nội. Đây là sự kiện thể thao lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng về chính trị, kinh tế xã hội và đối ngoại của đất nước. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên đấu trường thể thao khu vực cũng như châu lục khi trở thành nước chủ nhà của nhiều giải đấu lớn như SEA Games 2003, ABG5… và đã đạt được nhiều thành công vang dội. Qua mỗi lần tổ chức, tôi cho rằng, ngành thể thao Việt Nam đã liên tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện, nâng cao chất lượng cho những lần sau đó.
Về cơ sở vật chất tại Hà Nội hiện nay cũng đã được bảo dưỡng, nâng cấp một bước để chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Đối với cơ sở vật chất hiện có, việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, chủ yếu là chỉnh trang, sơn, sửa chữa nhỏ; bổ sung hệ thống âm thanh, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện dự phòng; cải tạo lại khu vực VIP; bố trí các phòng chức năng... là đủ điều kiện để phục vụ tổ chức SEA Games 31. Bộ VHTTDL khẳng định, sẽ làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: tận dụng triệt để cơ sở vật chất hiện có, không đầu tư xây dựng mới các công trình thể thao từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực của xã hội để tổ chức SEA Games.
- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Lê Khánh Hải!