Tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế để phát triển văn hoá, thể thao và du lịch
31/03/2023 | 17:05Sáng 31/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi thăm và làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Cùng dự còn có đại diện thường trực một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đại diện Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cuộc làm việc nhằm rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách, pháp luật theo tinh thần Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và các nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực của Bộ VHTTDL.
Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hoá, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hóa do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp ngoài Kế hoạch số 81. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học)... cũng cần được rà soát thật kỹ lưỡng.
Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Về Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng việc Quốc hội đăng cai tổ chức sự kiện này và nêu rõ, Hội nghị sẽ có 3 phiên chuyên đề về Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Trong đó, phiên chuyên đề thứ 3 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững" liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung được phân công, đặc biệt chú ý đến tính kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, con người trong phát triển bền vững. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các hoạt động tổ chức tuần văn hóa Việt Nam gồm: Liên hoan nghệ thuật, triển lãm ảnh, trình chiếu phim trong chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội.
Nhận diện khó khăn, thách thức để có hành động đúng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, Bộ VHTTDL và toàn ngành đều ý thức đầy đủ rằng, trong bối cảnh vừa có những thách thức, khó khăn, thuận lợi đan xen, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã làm được những năm qua, phải xác định quan điểm tham mưu đúng và trúng, kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm sâu sắc hơn quan điểm phát triển văn hóa phải dựa trên nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
Theo Bộ trưởng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ VHTTDL đã cố gắng làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nhận thức sâu sắc hơn những thách thức để ban hành chương trình, kế hoạch công tác nhằm triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, Quy định mà Chính phủ đã ban hành trên lĩnh vực này để đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đã hệ thống lại toàn bộ văn kiện, nghị quyết của Đảng được ban hành từ trước tới nay để làm sâu sắc hơn về mặt nhận thức, thấy rõ hơn tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đồng thời xem xét các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để tiếp tục tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả hơn. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, phân tích để làm rõ hơn những khó khăn, thách thức mà Bộ VHTTDL và toàn ngành phải đối mặt.
Trong đó, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hoá, luôn đặt văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển của đất nước, các Nghị quyết Đại hội Đảng các kỳ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều xác định quan điểm này nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, nhận thức chung của một bộ phận cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự sâu sắc và toàn diện, chưa đồng bộ. Vì vậy có biểu hiện nhận thức một cách lệch lạc, coi văn hóa chỉ là "cờ, đèn, kèn, trống" và chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đơn thuần.
Thứ hai, trong lịch sử lãnh đạo của Đảng ta, từ khi chưa bước lên vũ đài chính trị cho đến khi nắm quyền lãnh đạo, Đảng đã có rất nhiều Nghị quyết và cũng theo đó Nhà nước ban hành những công cụ về mặt pháp luật, các chủ trương… tuy nhiên vì nhiều lý do, đầu tư cho văn hóa để vươn lên ngang tầm kinh tế, chính trị còn chưa tương xứng, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa đạt được mục tiêu mà các kết luận của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực để tập trung cho lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch cũng đang còn bị rào cản ở một số điều luật.
Thứ tư, khối lượng công việc của ngành văn hoá, thể thao, du lịch rất lớn, phức tạp với nhiều vấn đề phát sinh, nhưng đội ngũ để thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực này cũng có mặt chưa ngang tầm nhiệm vụ, đang còn thiếu lực lượng am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực.
Bên cạnh khó khăn, ngành văn hoá, thể thao và du lịch cũng đang đối mặt với những thách thức rất lớn. Đó là thách thức từ mặt trái, tiêu cực của nền kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập sâu rộng. Môi trường văn hóa đang còn diễn biến phức tạp, còn có biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thậm chí xuống cấp về mặt đạo đức... Nguyên nhân bắt đầu từ nhận thức chưa đúng về văn hoá, từ lối sống, môi trường sống. Đây là yếu tố mà ngành văn hóa đã nhận thức rõ và đang khắc phục.
Thách thức thứ hai đó là trong quá trình tiếp biến văn hóa và hội nhập sâu rộng của đất nước, giữa yếu tố giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đang còn có nguy cơ bị xâm hại nếu không có sự cảnh báo đúng đắn.
Thứ ba, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn có nhiều khoảng cách. Bên cạnh đó, đối với các ngành khác như du lịch phải bắt đầu từ văn hoá, sản phẩm du lịch phải từ văn hóa những chưa vấn đề này được xem xét, đang còn có tính mùa vụ, chưa thực sự chuyên nghiệp và chưa xác định đúng như tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đề ra để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Bộ trưởng, một thách thức lớn nữa đó là, mọi hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch đều liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và mọi mặt đời sống của xã hội, Bộ VHTTDL chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, vì vậy cần có sự chia sẻ, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trên cơ sở nhận diện khó khăn, thách thức, Bộ VHTTDL tập trung xác định và làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, trước hết là tham mưu cho cấp ủy Đảng để thực hiện tốt hơn các Nghị quyết, nhằm có nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Triển khai một cách sâu sắc hơn, quyết liệt hơn và có hiệu quả hơn các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ với phương châm "khi chúng ta có nhận thức đúng sẽ có hành động đúng và tiến tới có hành động đẹp".
Thứ hai, trong quá trình lãnh đạo, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước và quản lý nhà nước phải bằng công cụ pháp luật. Vì vậy, Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát lại để kịp thời tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội, bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch xây dựng luật và pháp lệnh trong nhiệm kỳ để kịp thời tham mưu, rà soát lại những khoảng hở, khoảng trống về mặt pháp lý.
Thứ ba, tập trung tổ chức tốt các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch ở cấp quốc gia và khu vực, tạo điểm nhấn, gắn với đó là phát triển môi trường văn hóa ở cơ sở.
Nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch
Tại buổi làm việc, Báo cáo những thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, về nhận thức, Bộ đã tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021. Hội nghị thành công trên nhiều phương diện, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, làm cho nhân dân, đội ngũ những người làm văn hóa phấn khởi, coi đây là động lực tiếp sức cho ngành văn hóa trong thời gian tới.
Bộ VHTTDL đã tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra trong kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tạo sức lan tỏa. Sau Hội nghị, 63/63 tỉnh, thành đều nghiêm túc triển khai và có các kế hoạch, chương trình Nghị quyết để bổ sung thực hiện. Vì vậy, đã khắc phục, nâng cao nhận thức về văn hóa.
Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện có tính chiều sâu, gắn với sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tạo nhiều dấu ấn. Điển hình trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức với quy mô lớn nhất, nêu cao vai trò của thể thao quần chúng, tập trung phát triển thể thao thành tích cao. Ngành thể thao thời gian qua cũng có nhiều chuyển động mạnh mẽ.
Với lĩnh vực du lịch, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tập trung xác định, cơ cấu và tham mưu, cùng với các ngành để triển khai nhiều hoạt động phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng lấy du lịch nội địa làm bệ đỡ; tranh thủ các thị trường truyền thống để tiếp tục tạo khởi sắc cho du lịch. Số lượng khách du lịch quốc tế dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có đóng góp tích cực cho du lịch. Năm 2022 khép lại, du lịch Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt khách; có đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam.
Đối với các lĩnh vực khác, kế thừa kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ VHTTDL đã tập trung vào tạo đột phá trong quá trình rà soát lại các vấn đề thể chế. Trong thời gian ngắn, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua 2 Luật là Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ VHTTDL còn phối hợp với các Bộ khác để triển khai 2 Luật và ban hành nhiều nghị định, thông tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, có được những kết quả trên là nhờ Bộ VHTTDL đã xác định đúng, trúng trọng tâm để thực hiện. Trong đó, Bộ VHTTDL xác định phải quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đặc biệt khâu tổ chức thực hiện theo hướng phải chọn khâu, chọn điểm, lựa chọn nội dung để làm và tổ chức huy động sức mạnh của toàn ngành.
Nếu trong năm 2021, Bộ VHTTDL đã xác định chủ đề là công tác về thể chế, chính sách và tập trung và thể chế, chính sách đã đạt được những tín hiệu tích cực thì sang năm 2022, xác định môi trường văn hóa là quan trọng, Bộ đã triển khai chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn quốc và đến nay môi trường văn hóa đã được các cấp ngành tích cực xây dựng.
Trong đó, việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện. Môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ VHTTDL và Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tập trung triển khai. Từ đó, đã có nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa, chấp hành nghiêm 2 yêu cầu là thượng tôn pháp luật và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Qua đó, hạn chế được tiêu cực, sai phạm trong khối doanh nghiệp, để doanh nghiệp trở thành trái tim của nền kinh tế.
Năm 2023, cùng với tinh thần Đoàn kết - Kỷ cương – Nêu gương - Trách nhiệm, Bộ VHTTDL sẽ tập trung rà soát lại và tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ.
Tháo gỡ những điểm nghẽn về thế chế
Nhắc lại những khó khăn phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ, sự chuyển biến nhận thức về văn hóa chưa mạnh, chưa đều, môi trường văn hóa chưa thật sự vững mạnh để nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn con người. Hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia vẫn chưa được khái quát để nhận diện, triển khai.
Vấn đề thể chế, chính sách dù đã được Quốc hội đặc biệt quan tâm và tại Hội thảo Văn hóa 2022, những điểm nghẽn và giải pháp tháo gỡ đã được chỉ rõ nhưng hiệu quả triển khai chưa được như mong đợi.
Đầu tư cho văn hóa còn nhỏ giọt. Ở những địa phương có nguồn lực tốt, sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa đã có nhiều khởi sắc. Nhưng với những địa phương đang cân đối ngân sách, chi cho văn hóa còn nhiều hạn chế trong khi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng để xuất Quốc hội tiếp tục rà soát lại để giúp ngành văn hoá, thể thao, du lịch tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế, trong đó, không chỉ các luật mà bộ VHTTDL đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung mà còn các luật khác liên quan cũng được quan tâm, sửa đổi để tạo thuận lợi cho phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.
Bên cạnh đó, về việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VHTTDL đã cơ bản hoàn thiện đề cương về xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo để các Ủy ban của Quốc hội cùng đồng hành, cho ý kiến, giúp chương trình sớm ban hành và đi vào thực tiễn. Có gắng hoàn thiện và ban hành sớm nhất Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.