Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tất yếu phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam

01/06/2018 | 08:26

Chiều 31/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Khoa học "Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú đã cùng chủ trì buổi Hội thảo.

Hội thảo Khoa học "Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tất yếu phải xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, xây dựng "hệ giá trị văn hóa", "hệ giá trị chuẩn mực con người" là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam. Tuy nhiên, xác định nội dung các hệ giá trị đó là một vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ của nhiều người, sự cân nhắc, xem xét từ nhiều chiều khác nhau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, "Hệ giá trị văn hóa" và "Hệ giá trị chuẩn mực con người" Việt Nam cần đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các chiều kích: truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, nội sinh và ngoại sinh, đặc thù và phổ quát, kế thừa và phát triển, giữa mong muốn chủ quan có tính lý tưởng và điều kiện thực hiện, giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo đề dẫn Hội thảo

Ở Việt Nam, tuy đã có không ít công trình nghiên cứu cả tổng hợp lẫn chuyên sâu về mảng đề tài này, nhưng qua điểm luận của các công trình nghiên cứu, có thể thấy, nhìn chung các tác giả ít có sự phân định rõ ràng giữa “hệ giá trị văn hóa” và “hệ giá trị chuẩn mực con người” Việt Nam. Phần lớn các công trình đưa ra một hệ giá trị tổng quát, trong đó lồng ghép các giá trị văn hóa và giá trị con người.

Qua đánh giá thực trạng, "hệ giá trị văn hóa" và "hệ giá trị chuẩn mực con người" Việt Nam hiện nay đang có những biến động lớn trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trước những nhân tố tác động lớn lao cả bên trong lẫn bên ngoài, chủ quan và khách quan, sự vận động và thay đổi các giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam là điều tất yếu.

Nuôi dưỡng các "hệ giá trị" ngay từ thế hệ trẻ

Theo GS.TS Phạm Xuân Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra đối với chúng ta là phải làm sao đi sâu tìm hiểu hệ giá trị truyền thống của con người Việt Nam trong lịch sử lâu đời của dân tộc, qua đó thấy rõ sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị cơ bản nào. Đồng thời đi tới xác định xem cần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người mới ra sao nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - Học viện quản lý giáo dục

Nói về vấn đề này, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, trong khi chờ đợi một hệ giá trị con người Việt Nam được xác lập, cần đi tới sự thống nhất về một số giá trị cốt lõi mà người Việt Nam nào cũng phải có, bắt đầu trước hết từ các học sinh trong nhà trường phổ thông.

Cũng theo Tiến sĩ khoa học này, xây dựng hệ giá trị với tư cách mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình thực hiện Nghi quyết (NQ) 29, là sợi dây gắn kết việc tổ chức thực hiện NQ29 với NQ33, và là điều kiện tiên quyết để tổ chức thực hiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng quan điểm này, GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương cho rằng, lúc này và những năm tiếp theo, trong công tác tư tưởng, công tác giáo dục và tuyên truyền, cần lắm sự tỉnh táo, kiên trì, thẳng thắn và tâm huyết nuôi dưỡng trong thế giới tinh thần của người Việt Nam. Cần thiết phải tạo nên một động lực tinh thần thực sự trong mọi hoạt động của con người Việt Nam lúc này, đặc biệt của thế hệ trẻ.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương

Cùng tham luận tại Hội thảo, GS.TS Hồ Sĩ Quý - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam lưu ý, xuất phát từ bối cảnh xã hội hiện nay, khi có nhiều giá trị thực đang âm thầm điều tiết sự chuyển động của xã hội, khi có nhiều biểu hiện đạo đức xuống cấp, sụt giảm niềm tin thì các hệ giá trị được xây dựng cần theo các tiêu chí mở và bám sát thực tiễn.

Mục tiêu là hướng đến sự phát triển

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, phong phú của các Giáo sư, Phó Giáo sư và nhà khoa học.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận Hội thảo

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, thảo luận xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người thì cuối cùng không thể không nói đến hệ giá trị văn hóa quốc gia. Bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc được tạo nên từ chính các giá trị văn hóa.

“Định hướng, xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người suy cho cùng cũng là nhằm điều chỉnh các hành vi chuẩn mực trong xã hội để hướng đến sự phát triển” - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tiếp thu để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài. Mong rằng các chuyên gia sẽ tiếp tục giúp Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ VHTTDL để đề tài xây dựng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam được xây dựng có tính thuyết phục và khả thi cao.

Thế Công

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×