Tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam
22/03/2019 | 23:06Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng Cục Bản quyền tác giả tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị này, đại biểu (đại diện Sở Văn hóa – Thanh tra văn hóa của các tỉnh phía bắc – PV) đã được nghe các báo cáo viên trình bày 4 chuyên đề nội dung như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên thái Bình Dương (Hiệp đinh CPTPP) – cơ hội và thách thức; Các nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và Kế hoạch thực hiện; Tổng quan về hệ thống pháp luật – quản lý – thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Tình hình triển khai thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương khẳng định, CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với Việt Nam. Vì thế cần sớm chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận và thực thi CPTPP, thay đổi tư duy và cách làm việc…
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL đặt ra vấn đề, đó là với nội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP thì chúng ta đang đứng ở đâu và hướng tới cần phải làm gì.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại hội nghị
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, CPTPP yêu cầu Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung pháp luật liên quan đến vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; xem xét lại các văn bản, pháp lý xem đã phù hợp và tương thích với CPTPP hay chưa. Cùng với đó cần đẩy mạnh truyền thông các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam để từng người dân và những người làm nghề nắm bắt chặt chẽ các quy định, nội dung, từ đó thay đổi nhận thức và tư duy. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc sử dụng các phần mềm điện tử để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát về vấn đề vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Những năm qua, với chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã từng bước hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua việc tham gia vào các hiệp định, công ước quốc tế trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó có vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan như TRIPS, BTA, WTO, CPTPP… Các cam kết tại các điều ước quốc tế, đã tạo ra cơ sở pháp lý về việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ cho các nước thành viên. Việt Nam là nước đang phát triển, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan lại rất mới mẻ và phức tạp, vì vậy việc thực hiện cam kết là một nhiệm vụ quan trọng và nan giải đối với các cơ quan, tổ chức và công dân.
Tuy nhiên, dù có khó khăn và nan giải nhưng khi đã hội nhập sâu với thế giới, tức là tham gia sân chơi mang tính toàn cầu thì buộc chúng ta phải tuân thủ những điều này. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay./.