Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy sư phạm chuyên ngành trong lĩnh vực Quản lý văn hóa nghệ thuật.

13/08/2019 | 09:40

Sáng 12/8/2019, tại Thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên, Vụ Đào tạo – Bộ VHTTDL tổ chức lớp Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy sư phạm chuyên ngành trong lĩnh vực Quản lý văn hóa nghệ thuật cho giảng viên, giáo viên giảng dạy ngành Quản lý văn hóa ( QLVH) , Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hóa học và các môn học liên quan đến lĩnh vực QLVH trong các trường văn hóa nghệ thuật các cơ sở đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trên toàn quốc.

Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy sư phạm chuyên ngành trong lĩnh vực Quản lý văn hóa nghệ thuật. - Ảnh 1.

PGS. TS Bùi Quang Hải - Phó Vụ Trưởng Vụ Đào tạo - Bộ VHTTDL chụp ảnh cùng với báo cáo viên và học viên lớp tập huấn

Tới dự và chỉ đạo lớp tập huấn có PGS.TS Bùi Quang Hải – Phó Vụ Trưởng Vụ Đào Tạo - Bộ VHTTDL, các chuyên gia, nhà quản lý đến từ các đơn vị đào tạo có uy tín, các viện nghiên cứu và gần 100 cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên của các trường có mặt đầy đủ. Phát biểu tại lớp tập huấn, TS Bùi Quang Hải nhấn mạnh: "Công tác đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay có vai trò rất quan trọng đặc biệt chuyên ngành quản lý văn hóa, trong đó nguồn nhân lực về quản lý văn hóa gắn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển theo xu hướng quốc tế là một yêu cầu mang tính cấp thiết. Mục tiêu đổi mới giáo dục nguồn nhân lực về quản lý văn hóa hiện nay hướng tới nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần đặc biệt chú trọng về chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay đặt ra"

Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo các ngành/ chuyên ngành đặc biệt là chuyên ngành Quản lý văn hóa trong giai đoạn hiện nay, lớp tập huấn tập trung vào các nội dung: Pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật; Văn hóa nghệ thuật đại chúng ở Việt Nam hiện nay; Công nghiệp văn hóa; Những định hướng cơ bản của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý văn hóa; Một số nội dung liên quan đến hoạt động quản lý văn hóa hiện nay; Tính liên thông trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; các điểu kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Thực hành, khảo nghiệm thực tế v.v...  do các báo cáo viên của lớp học được lựa chọn là những giảng viên cao cấp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu của Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. 

Ngay sau khi khai mạc lớp học, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh đã lên lớp với chuyên đề đầu tiên về pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có thể nói, lớp học thực sự có ý nghĩa và vai trò rất lớn nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức về phương pháp, kỹ năng trong công tác giảng dạy, đặc biệt trong các trường đào tạo các chuyên ngành Quản lý văn hóa trên toàn quốc, đây cũng là dịp để giảng viên, giáo viên các trường gặp mặt, trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy.

 Lớp học sẽ kết thúc vào ngày 16/8/2019

CTV - Yến Nga

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×