Tạo điều kiện để nghệ thuật biểu diễn phát triển và hội nhập quốc tế
30/12/2017 | 08:00Chiều 29/12, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn trong năm 2017, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn cho biết, năm qua, hoạt động biểu diễn trên toàn quốc đã đi vào nền nếp, nội dung, chất lượng nghệ thuật từng bước được nâng cao, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật; chỉ đạo 12 nhà hát thuộc Bộ và các đơn vị nghệ thuật địa phương tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; chỉ đạo xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là chuỗi các chương trình nghệ thuật phục vụ các hoạt động trong Năm APEC được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao.
Cụ thể, trong năm 2017, về hoạt động cấp phép, Cục NTBD đã thẩm định hồ sơ, trình Lãnh đạo Bộ ký, ban hành 04 giấy phép cho phép tổ chức 04 cuộc thi người đẹp trong nước và quốc tế. Cục đã cấp tổng số 664 giấy phép, trong đó 303 giấy phép cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật Trung ương đi biểu diễn trên địa bàn toàn quốc; 287 giấy phép cho 515 lượt nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật; 49 đoàn nghệ thuật nước ngoài (897 nghệ sĩ) vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật; cho 25 đoàn nghệ thuật trong nước (285 nghệ sĩ) ra nước ngoài biểu diễn. Cục NTBD đã thẩm định hồ sơ và cấp 22 giấy phép cho phép 23 thí sinh đã đạt danh hiệu chính trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu tham dự các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Đồng thời cấp 54 giấy phép phê duyệt nội dung chương trình bản ghi âm, ghi hình, ca múa nhạc, sân khấu và phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 và do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị, tiêu biểu như chương trình tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng bí thư Trường Chinh, chương trình tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng bí thư Lê Duẩn, chương trình phục vụ APEC 2017... Cục NTBD thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai có hiệu quả công tác tổ chức phát triển sự nghiệp, gồm: thực hiện “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 – 2020”; tổ chức “Tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”; chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội; chỉ đạo, tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc như “Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017”, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc...
Trong năm 2017, các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã tổ chức thành công hơn 3.732 buổi biểu diễn, phục vụ hơn 7 triệu lượt người xem; Các đơn vị nghệ thuật tại địa phương đã tỏ chức 7.027 buổi biểu diễn, trong đó có hơn 1.623 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, phục vụ gần 6,7 triệu lượt người xem.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Gia Linh
Tuy nhiên, ngành NTBD vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tạo. Các Đoàn nghệ thuật địa phương gặp khó trong công tác tuyển chọn diễn viên trẻ, có trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Nguồn ngân sách dành cho nghệ thuật biểu diễn và chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên còn hạn chế. Trong khi đó, cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích xã hội hóa đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, nghệ thuật chưa gắn với lợi ích của doanh nghiệp nên chưa tạo được sức hút về đâu tư từ xã hội.
Trong năm 2018, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chặt chẽ các hoạt động quản lý, cấp phép nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu theo quy định; thực hiện các hoạt động phát triển sự nghiệp, công việc quan trọng là phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Nghệ thuật biểu diễn để thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/12/2012 và Nghị định 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 đáp ứng yêu cầu phát triển, ông Tuấn cho biết.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, ngành NTBD đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Để vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục phát triển, đối với các đơn vị nghệ thuật, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần nâng cao tinh thần tự chủ, người lãnh đạo cần phải năng động, linh hoạt và đổi mới hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và đổi mới cách làm truyền thông với các sự kiện để tăng cường xã hội hóa lĩnh vực NTBD.
Đối với việc đặt hàng tác phẩm, Bộ VHTTDL và Cục NTBD sẽ hết sức tạo điều kiện cho các nhà hát, đơn vị. Tuy nhiên, các đơn vị cần nâng tầm chất lượng tác phẩm, từ đó tạo ra các tác phẩm chất lượng cao, mang tính định hướng cho từng loại hình nghệ thuật.
Riêng với Cục NTBD, Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục cần tập trung xây dựng Nghị định mới giải quyết các bức xúc của dư luận trên tinh thần chặt chẽ về quản lý, nhưng vẫn tạo điều kiện tốt cho NTBD phát triển và sẵn sàng cho hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, trong việc tổ chức các sự kiện trong năm 2018, Thứ trưởng đề nghị Cục đổi mới tư duy thực hiện để truyền tải thông điệp mạnh hơn tới xã hội./.
Gia Linh