Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tăng cường công tác quản lý trong lễ hội 2010

23/01/2010 | 04:09

(VP)- Để chuẩn bị tốt cho công tác Quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010, ngày 22/01/2010, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra cuộc họp giao ban trực tuyến về việc chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội năm 2010 của một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc, miền Trung và phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì cuộc họp tại đầu cầu phía Bắc. Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục, Vụ liên quan; đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tp Hà Nội,  Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An). Khu vực miền Trung có Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; các Sở VHTTDL Tp Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Khu vực miền Nam có Cơ quan đại diện Bộ tại Tp.Hồ Chí Minh; các Sở VHTTDL Tp Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh.


Chánh thanh tra Bộ - Vũ Xuân Thanh tại buổi họp giao ban

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo đã báo cáo Công tác quản lý và tổ chức Lễ hội trong tình hình hiện nay. Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện tại, cả nước có 7.966 lễ hội (trong đó lễ hội dân gian chiếm 88,36%, lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4,16%, lễ hội tôn giáo chiếm 6,82%, lễ hội du nhập từ nước ngoài chiếm 0,12 % và các lễ hội khác chiếm 0,05 %). Số lượng lớn các lễ hội diễn ra xuất phát từ nhu cầu của người dân, khi đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng cao, việc tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động lễ hội tại các tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra khá phong phú, sôi động, đặc biệt phải kể đến Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương (Tp Hà Nội)… Lễ hội Cầu ngư xã Hải Thanh (Tĩnh Gia - Thanh Hóa), lễ hội Quan Thế Âm (Tp Đà Nẵng), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi)…Lễ hội đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá-Kiên Giang)… Ngoài ra có nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức theo nghi thức truyền thống và khôi phục các trò chơi dân gian như lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; Lễ hội ăn trâu, Mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Đặc biệt lễ hội lịch sử cách mạng do các cấp chính quyền tổ chức ngày càng hài hòa với các hoạt động văn hóa, thể thao có sức lan tỏa rộng rãi, tạo không khí phấn khởi, động viên toàn Đảng, toàn dân tích cực hưởng ứng như Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lễ hôi Làng Sen (Nghệ An), lễ hội Đền ơn đáp nghĩa ngày 27/7… và các lễ hội lịch sử cách mạng chào mừng những ngày lễ lớn.


Phó Cục trưởng Cục VHCS đọc báo cáo tại buổi giao ban

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng mạnh mẽ của tầng lớp nhân dân công tác quản lý và tổ chức lễ hội hoạt động theo đúng quy định của nhà nước và phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo trong tổ chức của nhân dân. Cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư nâng cấp, quy hoạch tổ chức dịch vụ có tiến bộ. Trình độ tổ chức và quản lý lễ hội đã thể hiện tính chuyên nghiệp hóa ngày càng cao của các địa phương. Các lễ hội lớn và lễ hội quy mô làng xã được nâng tầm hơn so với trước đây, góp phần chấn hưng văn hóa dân tộc và phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi địa phương. Công tác tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao ý thức của nhân dân về giá trị của di sản, về công đức danh nhân, giáo dục truyền thống Uống nước nhớ nguồn và quảng bá du lịch có hiệu quả. Hoạt động lễ hội đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng và nâng cao chất lượng các danh hiệu Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thông qua hoạt động lễ hội, ngày càng nâng cao vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền cơ sở và vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cũng đã được quan tâm hơn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như trồng mới và bảo vệ cây xanh tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, giải quyết việc làm cho người dân sinh sống trong khu vực tổ chức lễ hội, phép ứng xử văn hóa thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cho người dân khi tham gia các hoạt động dịch vụ và phục vụ lễ hội đã được nâng lên.

Mặc dù vậy diễn biến hoạt động lễ hội vẫn bộc lộ một số tồn tại bất cập. Thời gian gần đây, lượng khách tăng nhanh đột biến ở hầu hết lễ hội dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, tư thương nâng giá dịch vụ, tạo những hình ảnh phản cảm làm biến dạng bức tranh đẹp của lễ hội Việt Nam. Một số địa phương tổ chức lễ hội bằng ngân sách nhà nước nhưng lễ hội thiếu hiệu quả gây lãng phí tiền của. Nhiều lễ hội dân gian kéo dài quá thời gian quy định, tổ chức thiếu căn cứ khoa học, bị trùng lặp. Bên cạnh những nghi thức đã định hình có biểu hiện pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi thức lễ hội dân gian nên có nguy cơ bị phai mờ bản sắc (Lễ hội Đền Lảnh Giang - Hà Nam 2009).

                                            Đại diện đầu cầu miền Trung phát biểu ý kiến

Ngoài ra, tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi của địa phương, nhiều nơi lập ban thờ, hòm công đức, đĩa để giọt dầu vô tổ chức tại các di tích gây mất mỹ quan, làm mất đi vẻ trang nghiêm thanh tịnh. Văn hóa giao tiếp, ứng xử trong các lễ hội còn yếu, trách nhiệm và ý thức của du khách còn hạn chế như xả rác bừa bãi, đốt quá nhiều đồ mã… Và còn nhiều hiện tượng tiêu cực khác gây phản cảm tại các lễ hội. Công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Qua những diễn biến hoạt động lễ hội thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động lễ hội trong giai đoạn tiếp theo, cần chú trọng một số giải pháp như sau:  Quán triệt sâu sặc trong nhận thức của cấp Ủy, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các cấp về trách nhiệm đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Cơ chế và phương thức quản lý lễ hội phải phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm từng lễ hội ở từng địa phương, đảm bảo nguyên tắc nhà nước chỉ đạo, quản lý và điều hành, nhân dân phối hợp thực hiện. Kiện toàn các Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội phù hợp với yêu cầu chuyên môn và đặc điểm lễ hội ở mỗi địa phương; Chú trọng tuyên truyền bằng văn bản pháp luật về giá trị của di tích, lễ hội để nâng cao hiểu biết của nhân dân; Quy hoạch tổ chức dịch vụ và các hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia dịch vụ nhưng bảo đảm đựoc tính văn hóa trong ứng xử giao tiếp; Xã hội hóa rộng rãi nhưng không buông lỏng công tác quản lý; Thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, khen thưởng đúng lúc; Và tuyên truyền giáo dục thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội phải được đặt ra không chỉ ở người tổ chức mà cả ở người tham dự.

Đại diện các đầu cầu khu vực miền Trung và miền Nam đều nhất trí cao với báo cáo mà ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở vừa nêu lên. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tổ chức lễ hội để những giá trị tốt đẹp, đậm nét bẳn sắc văn hóa vùng miền được phát huy, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là mục đích của việc tổ chức lễ hội hiện nay. Cần có những biện pháp tích cực và khoa học để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập Quốc tế.

Kết luận của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại cuộc họp sẽ được thông báo sau bằng văn bản. 

HCTC               

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×