Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

13/02/2018 | 08:00

Khép lại năm 2017, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gặt hái được nhiều thành tựu. Trong đó, lĩnh vực bản quyền trong năm qua cũng để lại nhiều dấu ấn.

Nhân dịp năm mới, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả.

Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả. Ảnh: Gia Linh

- Xin Cục trưởng cho biết những kết quả nổi bật trên lĩnh vực bản quyền năm 2017?

Năm 2017 là năm sôi động của lĩnh vực bản quyền. Đối với Cục Bản quyền tác giả, hoạt động nổi bật nhất trong năm qua bao gồm: công tác xây dựng “Nghị định (sửa đổi) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan”; triển khai thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20 tháng 01 năm 2017 về việc Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Triển khai Đề án truyền thông “Nâng cao nhận thức và ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội giai đoạn 2017-2020” và Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược  phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ trưởng, tại các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các tỉnh thành trên cả nước.

Về công tác thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 18/12/2017 Cục đã thụ lý, cấp 6294 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó miền Bắc 3151 giấy chứng nhận, miền Nam 2916 giấy chứng nhận và miền Trung 227 giấy chứng nhận. Việc thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đảm bảo trình tự, thủ tục pháp lý và các yêu cầu của công tác cải cách hành chính.

Năm 2017, Cục đã tiếp nhận, thụ lý 27 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đã giải quyết dứt điểm 26 vụ việc, còn lại 1 vụ việc hiện đang trong quá trình giải quyết theo trình tự thủ tục quy định. Trung tâm giám định quyền tác giả, quyền liên quan đã tiếp nhận, tổ chức giám định 10 vụ việc giám định quyền tác giả bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác giải quyết tranh chấp, vi phạm về quyền tác giả.

Cục Bản quyền tác giả cũng xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bản quyền tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi đang từng bước thông qua nhiều kênh, nhiều hoạt động khác nhau để đưa pháp luật về bản quyền vào cuộc sống, đặc biệt là với đối tượng các bạn trẻ. Gần đây, vào ngày 26/11/2017, chúng tôi đã phối hợp với các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Luật, Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn tổ chức Gameshow “Bản quyền và sáng tạo” dành cho sinh viên.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan không ngừng được củng cố qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, trao đổi chuyên môn.

- Việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan đã được Cục Bản quyền triển khai như thế nào?

Đến nay, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan đã đi đến những bước cuối cùng. Ngày 17/11/2017, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Tờ trình số 250/TTr-BVHTTDL trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định. Cục đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo “Nghị định (sửa đổi) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan”. Dự kiến trong Quý I/2018, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định.


Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan. Ảnh: Gia Linh

Điểm mới của dự thảo Nghị định là việc tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến đăng ký Bản quyền tác giả. Cụ thể như giảm thời gian trả kết quả trong trường hợp cấp lại và cấp đổi, giảm bớt các thủ tục về hồ sơ.

Đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn thi hành, Dự thảo quy định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức đại diện; trách nhiệm minh bạch, công khai hội viên ủy quyền… Để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình, (i) Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác để thực hiện và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng; (ii) Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nghĩa vụ liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc bên được ủy quyền để thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; (ii) Tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài. 

- Xin Cục trưởng cho biết, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai các công việc trên?

Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi vẫn đến từ việc công chúng nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan. Công chúng nói chung, kể cả các thành phố lớn và những người có trình độ học vấn cao cũng còn ít biết đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Giới sáng tạo và sử dung sáng tạo nói chung cũng chỉ biết đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở mức đại khái, do được phổ biến hoặc tiếp xúc trong hoạt động nghề nghiệp. Thực trạng chung là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chưa quan tâm đến quyền lợi của mình hoặc còn coi nhẹ, khi bị xâm phạm quyền thường cho qua, hoặc ngại đến các cơ quan có thầm quyền yêu cầu bảo vệ, cho rằng tốn kém về thời gian và chi phí.

Gameshow "Bản quyền và sáng tạo" nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về lĩnh vực bản quyền cho giới trẻ.

Thuận lợi lớn nhất đối với chúng tôi hiện nay là sự quan tâm của Nhà nước với công tác bản quyền ngày một lớn. Điều này càng được thể hiện rõ rệt hơn khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua. Đặc biệt, hiện nay, cả thế giới đang bước vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, bản quyền được xem là động lực, là nền tảng quan trọng nhất của sự sáng tạo.

- Để phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2018 Cục Bản quyền tác giả có những định hướng gì thưa Cục trưởng? 

Trong năm tới, bên cạnh việc Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo “Nghị định (sửa đổi) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan” để đưa Nghị định này vào thực thi trong Quý I/2018, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án đang thực hiện trong năm 2017.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống các quy định hiện hành về quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan không phù hợp tại Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu thực thi trong nước và hội nhập quốc tế.

Dự kiến, trong năm 2018, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan qua việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan và hệ thống phần mềm quản lý, khai thác bộ cơ sở dữ liệu quốc gia (2018-2020) hướng tới phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận tiện trong thực thi giải quyết các tranh chấp, vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan.

Cục Bản quyền tác giả sẽ không ngừng nâng cấp bảo đảm thực thi tốt hoạt động tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu thực tiễn; và chuẩn bị đủ các điều kiện hướng tới việc cung cấp dịch vụ hành chính ở mức 3 đối với thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan khi sửa Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi các cấp từ Trung ương đến địa phương./.

 Gia Linh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×