Tái hiện Lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa cô tại “Làng”
27/06/2016 | 16:48Ngày 26/6/2016, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Pa cô đến từ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tái hiện Lễ cưới truyền thống của dân tộc mình.

Sau khi bên nhà gái thưởng thức bữa tiệc, nhà trai thực hiện nghi lễ quan trọng nhất trong ngày cưới đó là nghi lễ Pâr choo, Târ leh (Lễ tiễn khách, Lễ trao lễ vật và của hồi môn). Kết thúc lễ cưới tại nhà trai, nhà gái định thời gian để tổ chức lễ cưới thứ hai tại nhà gái.
Đêm đầu tiên con dâu về nhà chồng, cha mẹ chồng thực hiện nghi thức “Pa tưưp a đeh, pa cha đooi” để cầu cho đôi vợ chồng tình cảm mặn nồng, hạnh phúc, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, từ nay vợ chồng mới cưới được phép làm vợ chồng chính thức. Đôi vợ chồng mới cưới ngồi ăn chung một chén cơm và hai quả trứng gà đã luộc sẵn cầu mong đôi vợ chồng mãi mãi hạnh phúc đến đầu bạc răng long.
Một tuần sau lễ cưới tại nhà trai, nhà gái lại tiến hành tổ chức đám cưới tại nhà gái. Đến dự lễ cưới tại nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn khá tươm tất để thể hiện sự tôn trọng đối với nhà gái và lòng tự trọng của nhà trai, vì vậy, họ mang theo một con heo to và kèm theo của hồi môn khác.
Trong lễ cưới này, người đi vào nhà đầu tiên phải là cô dâu, cô dâu mang theo một chiếc đũa bếp, vừa lên cầu thang đồng thời thả chiếc đũa đó xuống dưới cầu thang, có nghĩa từ nay con gái và con rể mới được phép vào nhà bố mẹ, muốn lui tới thăm nom cha mẹ thì không còn kiêng cữ nữa. Tiếp đó, các nghi lễ diễn ra tương tự như đám cưới bên nhà trai.
Trong khoảng 20 năm sau ngày cưới, nhà trai lại thực hiện nghi lễ “Pa nâyq plô” (chấm dứt của hồi môn) với ý nghĩa nhà trai muốn báo cáo với nhà gái, bên thông gia nhà trai đã tuổi cao, sức yếu không còn đủ sức để giúp đỡ về vật chất nữa, mong thông gia nhà gái thông cảm. Từ nay về sau, việc đỡ đần vật chất giao cho con trai và con dâu lo liệu, còn thông gia chỉ giúp đỡ mặt tinh thần mà thôi. Đây cũng là nghi lễ cuối cùng trong lễ cưới của một đời người và cũng là nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của người Pa cô.