Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tái hiện Lễ cưới của dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn

01/09/2018 | 18:10

Sáng 1/9, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Nùng đến từ tỉnh Lạng Sơn đã tái hiện Lễ cưới của dân tộc mình.

Mâm lễ trước cửa nhà chú trước khi đón dâu về.

Là nghi lễ đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ, lễ cưới có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, cũng như góp phần cho sắc màu vườn hoa văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm rực rỡ.

Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: Lễ so tuổi, Lễ dạm hỏi, Lễ dẫn cưới, Lễ đón dâu, Lễ lại mặt và một số tục lệ khác.

Đoàn đón dâu trong lễ cưới của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn (đủ đôi, đủ cặp). Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về.

Bố chú rể thắp hương mời ông bà tổ tiên về chứng giám.

Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà. Theo phong tục của người Nùng, trước khi vào nhà, cô dâu phải dùng chân làm đổ cái bàn, trên đó có 5 cái bánh nặn bằng gio bếp mà gia đình nhà chú rể chuẩn bị, coi như từ nay cô dâu đã là người của nhà trai. Sau đó, cô dâu sẽ phải vào lạy bàn thờ tổ tiên và ra mời trầu, mời nước bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai. Từ đây, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng.

Ngay sau các nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời cùng thưởng thức sản vật núi rừng, mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một gia đình mới.

Cô dâu, chú rể lạy bàn thờ tổ tiên.

Lễ cưới của dân tộc Nùng là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hoá lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng. Đây còn là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu phong tục tốt đẹp của người Nùng tại “Ngôi nhà chung” và cũng là cơ hội để đồng bào Nùng quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới du khách khi đến tham quan "Làng" dịp nghỉ lễ 2/9.

Lan Anh ( Ảnh: Phạm Hương)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×