Tái hiện Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang
17/04/2017 | 17:43Ngày 22/4, cộng đồng dân tộc Lô Lô đến từ tỉnh Hà Giang sẽ tái hiện Lễ cúng tổ tiên của dân tộc mình tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô. Ảnh minh họa (nguồn: vinaculto.vn)
Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là di sản văn hoá phi vật thể thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.
Đây là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của dân tộc Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản,…
Theo phong tục của người Lô Lô khi gia đình có người chết, người con trai trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập “hình nhân” (tức là người nhỏ bằng tre hoặc gỗ) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng tổ tiên là người thuộc các thế hệ trước đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần Dùy Khế – tức các ông tổ từ 3 đến 4 đời, và tổ tiên xa Pờ Xí – là những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Điều này buộc các con trai trưởng và các con trong gia đình phải ghi nhớ từ ông tổ đầu tiên đến bây giờ là mấy đời, nhớ đến đâu, thờ đến đó.
Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng, đèn dầu, đôi trống đồng. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ, lễ đưa tiễn tổ tiên.
Việc tái hiện lễ hội là một trong những hoạt động nhằm chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)” do Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức.
Lan Phạm