Sự nỗ lực vượt bậc của thư viện các tỉnh miền Nam
29/03/2018 | 10:10Ngày 28/3/2018, Tọa đàm về các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc (Khu vực miền Nam) đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Cục/ Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các ban ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL/Sở VHTT, Sở Giáo dục và Đào tạo, các thư viện cấp tỉnh, một số đại diện thư viện cấp huyện khu vực miền Nam, thư viện các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học.
Quang cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Vụ TV)
Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án) nhằm xây dựng và hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người Việt Nam.
Việc phê duyệt Đề án đã tạo tiền đề quan trọng trong việc phát triển và vực dậy văn hóa đọc tại Việt Nam, đem đến sự khởi sắc trong hoạt động của hệ thống thư viện.
Với việc nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động thư viện, nhiều địa phương trong cả nước có các chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao trong những năm qua được giữ vững như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau,...Nhiều địa phương đã khẳng định vị thế của mình trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, với số lượng bạn đọc đến thư viện đông, lượt sách báo phục vụ lớn trong đó phải kể đến như: Cần Thơ (với 1,5 triệu lượt bạn đọc và 3 triệu lượt sách báo phục vụ), TP. Hồ Chí Minh (với 1.4 lượt triệu lượt bạn đọc và 4,4 triệu lượt sách báo phục vụ). Nhiều thư viện trong năm 2017 đã có những bứt phá lớn trong công tác phục vụ bạn đọc như: Sơn La, Hà Giang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Vĩnh Long...
Riêng khu vực miền Nam, các thư viện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật so với cả nước. 50% nhóm thư viện các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long nằm trong Top 10 thư viện có số lượng thẻ thư viện cao nhất, Top 10 thư viện có lượt bạn đọc được phục vụ tại thư viện cao nhất, Top 10 thư viện dẫn đầu về lượt tài liệu luân chuyển của thư viện;...
Cũng tại Tọa đàm, các địa biểu đã tiến hành trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung: Thực trạng tình hình phục vụ bạn đọc của thư viện và những giải pháp thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa đọc được đặt ra trong Quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 3 năm 2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tiêu chí và mô hình thư viện hiện đại, thân thiện góp phần phát triển văn hóa đọc; Giải pháp trong quản lý và tổ chức hoạt động nhằm triển khai kế hoạch của địa phương, Bộ, ngành nhằm thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc đã được đặt ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc; Kinh nghiệm và mô hình thư viện hoạt động hiệu quả phục vụ phát triển văn hóa đọc (bao gồm cả kinh nghiệm của Việt Nam và nước ngoài).
Thông qua tọa đàm sẽ góp phần nâng cao nhận thức và xác định mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện ở Việt Nam nhằm tạo môi trường đọc thân thiện, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin và tri thức và học tập suốt đời của người dân. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL sẽ tập hợp những dữ liệu để làm căn cứ xây dựng thí điểm mô hình văn hóa đọc trong thư viện phù hợp đối với loại hình và quy mô./.
Hằng Đinh