Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơ kết thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL

12/01/2015 | 17:57

Sáng 12/01 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/6/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, đại diện một số Sở VHTTDL, cùng đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu, khoa học trong lĩnh vực di sản, mỹ thuật đã tới dự.

Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở nơi công cộng. Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/6/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
 
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội nghị

Sau 05 tháng ban hành, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các Bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc nhiệt tình của các cơ quan truyền thông, bước đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, thẩm mỹ trong di tích. Đặc biệt, nhiều công sở, cơ sở thờ tự, nhà dân đã tự động di dời các biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhiều người đã tự trang bị kiến thức về lịch sử, thẩm mỹ truyền thống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa theo xu hướng tìm về bản sắc dân tộc.

Đồng thời, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học. Những vấn đề liên quan tới kiến thức về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ… của cá nhân và cộng đồng đều được nhìn nhận từ những khía cạnh mà Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL đã đề cập tới.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đã có những bài viết, có những trao đổi trên trên báo chí phân tích rõ sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, loại bỏ yếu tố lai căng không phù hợp với thuần phòng mỹ tục Việt Nam. Sự bày đặt các biểu tượng, linh vật mới, ngoại lai trong di tích lịch sử đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, mất bản sắc trong các di tích, công trình tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.

Để thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm loại bỏ sản phẩm, biểu tượng, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và tuân thủ nghiêm Luật Di sản văn hóa, ngày 03/9/2014, Hội Đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp thu và ban hành Công văn số 196/CV-HĐTS, về việc không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự. Công văn đã thể hiện tinh thần ủng hộ chủ trương của Bộ VHTTDL, vì sự nghiệp gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

UBND một số tỉnh/thành: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Điện Biên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Ninh Bình, TP. Đà Nẵng, Bình Định, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương trên địa bàn trong công tác vận động, tuyên truyền người dân không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam theo sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL.


Toàn cảnh Hội nghị

Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm điêu khắc theo mẫu truyền thống Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã giới thiệu, cung cấp mẫu tượng linh vật truyền thống của Việt Nam hiện còn lưu giữ tại các bảo tàng, di tích cho Sở VHTTDL các tỉnh/thành, Thanh tra Văn hóa, các cơ quan báo chí, truyền thông, các xưởng chế tác đá mỹ nghệ thông qua việc tổ chức Triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” (tại Hà Nội và Đà Nẵng); Hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng hiện nay và vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam”; Tọa đàm “Sư tử và Nghê - Gương mặt thân quen”… Các hội thảo, tọa đàm, triển lãm này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng, góp phần tích cực trong công tác quảng bá giá trị di sản của Việt Nam, thúc đẩy Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL được thực hiện hiện quả hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL được tăng cường. Bộ VHTTDL thành lập 01 Đoàn, Thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa đã thành lập 03 Đoàn và tiến hành kiểm tra tại 08 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên với 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Qua kiểm tra thực tế 35 di tích, có 22 di tích sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ban Quản lý các di tích đã nhất trí với kết luận của Đoàn kiểm tra và thống nhất cần thiết phải di chuyển đồ thờ tự, hiện vật vốn không có ở di tích và không phù hợp với đặc trưng di tích ra khỏi khu vực của di tích.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL vẫn còn một số hạn chế như: Trong nhân dân vẫn còn một số người không biết, không phân biệt được tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như thế nào; Phần lớn nhân dân không biết việc cúng tiến tượng linh vật, đồ thờ vào di tích lịch sử văn hóa mà chưa có ý kiến của các nhà chuyên môn, quản lý là vi phạm Luật Di sản văn hóa; Một số địa phương, Ban, Bộ, ngành chưa thực sự cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân di dời các hiện vật và tượng linh vật ngoại lai...

 Tại Hội nghị, đã có 14 ý kiến của các đại biểu tập trung vào các vấn đề xung quanh việc triển khai, thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL tại các địa phương và khu di tích. Theo các đại biểu, trong thời gian tới các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL tuyên truyền vận động để người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời cần nhanh chóng thực hiện xuất bản sách giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí truyền thống của Việt Nam dưới dạng cẩm nang hình ảnh, sách cần được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng rãi tới các địa phương, như vậy sẽ nâng cao nhận thức, khuyến khích các nghệ nhân làng nghề nghiên cứu và tham khảo tài liệu vốn cổ, trên cơ sở đó phát huy sáng tạo ra các sản phẩm mang bản sắc Việt, hợp với hơi thở của thời đại.
     
   
Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ VHTTDL trong công tác
thực hiện tuyên truyền không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam


Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai, thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL tại các địa phương, khu di tích. Thứ trưởng khẳng định, bên cạnh những mặt được, còn một số hạn chế cần tháo gỡ như một số tỉnh/thành vẫn chưa nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa; khó khăn trong giải pháp di dời, xử lý các hiện vật sau khi ra khỏi di tích... Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, các đơn vị cần tăng cường trách nhiệm, sát sao và quyết liệt hơn nữa để cùng với các địa phương tiếp tục đưa chủ trương vào thực tế cuộc sống. Các hoạt động như tập huấn, hội thảo, triển lãm... cần tiếp tục tăng cường. Bên cạnh công tác kiểm kê, thanh kiểm tra, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ trưởng giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra Bộ và một số đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tăng hiệu quả việc triển khai Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, qua đó tạo những “làn sóng mới”, chuyển biến tích cực trong năm 2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×