Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2015

06/07/2015 | 14:08

Ngày 03/7, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2015 tại 03 điểm cầu: Hà Nội - Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Cùng tham dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Tổng cục, Cục, Vụ, các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh/thành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, với phương châm “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực cố gắng hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch đạt được thành công mới, hiệu quả thiết thực. Nhiều sự kiện văn hóa-du lịch được tổ chức thành công ở nước ngoài, góp phần thu hút khách du lịch tới Việt Nam: Năm Văn hóa Việt Nam tại Séc; Ngày Việt Nam tại Slovakia; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus; Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Singapore; Chương trình Quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu “Ngôi nhà Việt Nam tại EXPO 2015 Milano” và Những ngày Văn hóa Việt Nam 2015 tại Roma (Italia)... đặc biệt là các hoạt động văn hóa, du lịch phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Việt Nam.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ Thường trực Ban Tổ chức cấp quốc gia các ngày lễ lớn trong hai năm 2014-2015. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức thành công, thể hiện nổi bật ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của các sự kiện.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội căn bản đạt yêu cầu đề ra, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức các lễ hội lớn từng bước đi vào nền nếp, người dân tham gia lễ hội có ý thức hơn. An ninh, an toàn trong lễ hội được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Công tác gia đình các cấp đã được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với chủ đề truyền thông năm 2015 “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đa dạng, với nhiều nội dung hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Chủ trì, phối hợp với các tỉnh/thành tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia.

Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được quan tâm và đầu tư đúng mức. Tham dự các giải thể thao quốc tế 6 tháng đầu năm 2015, các vận động viên Việt Nam đã giành được 272 HCV, 216 HCB, 213 HCĐ. Các môn thể thao Olympic như Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ... tiếp tục đạt được thành tích cao tại đấu trường khu vực, Châu Á và thế giới.

Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra, giành được 186 huy chương, trong đó có 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, xếp hạng 3/11 quốc gia tham dự SEA Games 28 tại Singapore. Tham dự 268 nội dung của 28 môn, đã có 22 môn thể thao đạt huy chương, 16 môn thể thao giành được huy chương vàng. Trong tổng số 73 huy chương vàng, trong đó có 64 chiếc huy chương vàng ở 12 môn thể thao Olympic chiếm tỷ lệ 87.7%. Một số môn thể thao và một số vận động viên đạt thành tích xuất sắc, xác lập 12 kỷ lục SEA Games (03 kỷ lục môn Điền kinh, 09 kỷ lục môn Bơi). Những thành tích xuất sắc của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ về định hướng tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic trong những năm qua.

Công tác quản lý nhà nước đã được chú trọng thông qua việc đảm bảo an ninh trật tự và giám sát chất lượng dịch vụ du lịch tại các địa phương. Hiệu quả kinh doanh du lịch và vai trò đóng góp của du lịch nội địa ngày càng thể hiện rõ nét hơn khi lượng khách quốc tế giảm nhưng tổng thu từ du lịch lại tăng so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng có tính đột phá của lượng khách du lịch nội (hơn 40 triệu lượt) khẳng định hiệu quả bước đầu của Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”.

 
Toàn cảnh Hội nghị tại 03 điểm cầu

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm 2015, công tác văn hóa, thể thao và du lịch cũng gặp một số khó khăn, hạn chế: Một số hành vi vi phạm, phản cảm trong tổ chức, tham gia lễ hội tái diễn, gây bức xúc trong dư luận xã hội: tái hiện nghi thức lễ hội không còn phù hợp (đập trâu, chém lợn), các hành vi bạo lực trong lễ hội (ẩu đả, tranh cướp...) trong khi chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước một số địa phương, nhất là cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời. Hiện tượng đưa hiện vật ngoại lai vào di tích không đúng quy định; vi phạm trong tổ chức và tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế liên quan đến hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam... là các hiện tượng đã được phát hiện từ trước nhưng công tác quản lý, xử lý vi phạm còn bất cập, hạn chế, chưa chủ động, hiệu quả răn đe chưa cao.

Hệ thống thiết chế thể thao cơ sở, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho nhân dân vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao ở cơ sở còn thiếu, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc. Kinh phí cho công tác đào tạo lực lượng vận động viên trẻ kế cận và chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các đại hội lớn, đặc biệt là trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho các vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp. Việc triển khai các chương trình thuộc Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gặp nhiều khó khăn do thiếu phí thực hiện.

Công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra các điểm đến và điểm tham quan du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng ở một số địa bàn du lịch... còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách du lịch. Một số khu du lịch do hạn chế về điều kiện hạ tầng nên xảy ra tắc nghẽn giao thông cục bộ, nhất là trong dịp nghỉ lễ tập trung đông người; hiện tượng nâng giá, ép giá đối với khách du lịch chưa được chỉ đạo xử lý hiệu quả; hiện tượng hướng dẫn viên du lịch chưa có thẻ, hướng dẫn viên du lịch là người nước ngoài hoạt động không đúng quy định tại một số địa phương vẫn tái diễn.

Công tác tham mưu xây dựng chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương chưa có tính đột phá, chưa hoạch định được chiến lược lâu dài, phù hợp với thực tế của địa phương; hoạt động khai thác du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ trong mùa du lịch cao điểm chưa được đảm bảo, chưa tạo được những sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn đối với du khách.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, báo cáo đưa ra một số nội dung như: Xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 và các văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chuyên ngành, địa bàn. Triển khai công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình.

Triển khai nhiệm vụ thường trực Ban Tổ chức cấp quốc gia các ngày lễ lớn. Chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh Nước CHXHCNVN (02/9/1945-02/9/2015).

Tiếp tục công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay; xác định nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kế hoạch trung hạn 2016-2020; tiếp tục hoàn thiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, thể dục thể thao giai đoạn 2016-2020. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa và Hội nghị điển hình tiên tiến và Đại hội Thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ II-2015.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh biểu dương những kết quả mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, đồng thời nhấn mạnh, chúng ta mới đi được nửa chặng đường của năm 2015, mới chỉ hoàn thành 50% khối lượng công việc. Số còn lại sẽ phải hoàn thành trong 6 tháng cuối năm. Năm 2015 có ý nghĩa quan trọng với ngành VHTTDL. Đây là năm góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Đảng, trong đó có yêu cầu về việc phát triển con người Việt Nam trước yêu cầu mới, được thể hiện bằng Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phát huy thành tựu đã đạt được, thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Song song với đó là tập trung tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Văn hóa, 69 năm Ngày thành lập ngành Thể thao, 55 năm Ngày thành lập ngành Du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động thi đua hướng tới Hội nghị điển hình tiên tiến và Đại hội Thi đua yêu nước Bộ VHTTDL lần thứ II-2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×