Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sơ kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình 9 tháng năm 2015

05/10/2015 | 09:55

Sáng 02.10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2015.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình đã nỗ lực cố gắng hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành công.

Công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, của Ngành trong năm 2015 được Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành tập trung chỉ đạo và chủ động thực hiện. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và nhiều hoạt động văn hóa, liên hoan, triển lãm, tuyên truyền cổ động được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, tạo không khí sôi nổi trên cả nước, nhất là các hoạt động hướng về đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển đảo của Tổ quốc.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động Ngành, trọng tâm là công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Tổ chức 20 đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ và các đoàn thanh tra thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5.02.2015 của Ban Bí thư và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12.02.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương.

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch đạt được thành công mới, hiệu quả thiết thực. Nhiều sự kiện văn hóa-du lịch được tổ chức thành công ở nước ngoài, góp phần thu hút khách du lịch tới Việt Nam: Năm Văn hóa Việt Nam tại Séc; Ngày Việt Nam tại Slovakia; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Belarus; Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Singapore; Chương trình Quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu “Ngôi nhà Việt Nam tại EXPO 2015 Milano” và Những ngày Văn hóa Việt Nam 2015 tại Roma (Italia)... đặc biệt là các hoạt động văn hóa, du lịch phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Việt Nam.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội căn bản đạt yêu cầu đề ra, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức các lễ hội lớn từng bước đi vào nền nếp, người dân tham gia lễ hội có ý thức hơn. An ninh, an toàn trong lễ hội được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Công tác gia đình các cấp đã được triển khai đúng yêu cầu, tiến độ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với chủ đề truyền thông năm 2015 “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Về thể dục, thể thao, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục được đẩy mạnh, các văn bản quản lý nhà nước về thể dục thể thao như Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quyết định được chỉ đạo, triển khai kịp thời từ Trung ương đến địa phương.

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đa dạng, với nhiều nội dung hoạt động sôi nổi, phong phú gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Chủ trì, phối hợp với các tỉnh/thành tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe nhân dân năm 2015, thu hút trên 4 triệu người tham gia.

Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên được quan tâm và đầu tư đúng mức. Tham dự các giải thể thao quốc tế 6 tháng đầu năm 2015, các vận động viên Việt Nam đã giành được 272 HCV, 216 HCB, 213 HCĐ. Các môn thể thao Olympic như Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ... tiếp tục đạt được thành tích cao tại đấu trường khu vực, Châu Á và thế giới.

Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra, giành được 186 huy chương, trong đó có 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, xếp hạng 3/11 quốc gia tham dự SEA Games 28 tại Singapore. Tham dự 268 nội dung của 28 môn, đã có 22 môn thể thao đạt huy chương, 16 môn thể thao giành được huy chương vàng. Trong tổng số 73 Huy chương Vàng, trong đó có 64 Huy chương Vàng ở 12 môn thể thao Olympic chiếm tỷ lệ 87.7%. Một số môn thể thao và một số vận động viên đạt thành tích xuất sắc, xác lập 12 kỷ lục SEA Games (03 kỷ lục môn Điền kinh, 09 kỷ lục môn Bơi). Những thành tích xuất sắc của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ về định hướng tập trung đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic trong những năm qua.

Về du lịch, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới tại Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08.12.2014 của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành, các doanh nghiệp lữ hành trong toàn quốc trong việc triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02.7.2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lich đã kiềm chế được đà sụt giảm và nhanh chóng phục hồi đà tăng của khách quốc tế đến Việt Nam sau nhiều tháng liên tiếp sụt giảm.

Hiệu quả kinh doanh du lịch và vai trò đóng góp của du lịch nội địa ngày càng thể hiện rõ nét với tổng thu từ du lịch lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng có tính đột phá của lượng khách du lịch nội (gần 50 triệu lượt) trong 9 tháng khẳng định hiệu quả bước đầu của Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam”.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 9 tháng đầu năm 2015, công tác văn hóa, thể thao và du lịch cũng gặp nhiều khó khăn, một số hành vi vi phạm, phản cảm trong tổ chức, tham gia lễ hội tái diễn, gây bức xúc trong dư luận xã hội: tái hiện nghi thức lễ hội không còn phù hợp (đập trâu, đâm trâu, chém lợn), các hành vi bạo lực trong lễ hội (ẩu đả, tranh cướp...) trong khi chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ, chưa quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Các vi phạm trong tổ chức và tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế liên quan đến hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam...; hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, thể dục thể thao còn nhiều bất cập, nhất là ở cơ sở. Một số nơi không được duy trì hoạt động thường xuyên, nội dung hoạt động nghèo nàn, hình thức; tác phẩm nghệ thuật phản ảnh và cổ vũ sự nghiệp đổi mới đất nước chưa nhiều; các tác giả, nghệ sỹ trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống dần mai một. Hoạt động văn nghệ quần chúng phục vụ vùng sâu, vùng xa còn ít; chế độ, chính sách đãi ngộ còn hạn hẹp, khó khăn cho việc phát triển phong trào. Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình còn thiếu chặt chẽ.

Hoạt động quản lý và thực thi pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại các địa phương còn rất hạn chế. Chưa xây dựng được thị trường văn học nghệ thuật trong nước, việc tài trợ, đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật; hoạt động sáng tạo nghệ thuật biểu diễn chưa được nhiều; nguồn nhân lực, kịch bản cho hoạt động nghệ thuật ngày càng thiếu hụt; kinh phí tuyên truyền, quảng bá tác phẩm nghệ thuật hạn chế nên chưa khuyến khích tài năng sáng tạo của các văn nghệ sỹ.

Công tác bảo vệ, quản lý di tích ở các địa phương chưa được coi trọng, công tác phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Các dự án tu bổ di tích bằng nguồn vốn đầu tư xã hội hóa tại các địa phương có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý.

Về thể dục, thể thao, hệ thống thiết chế thể thao cơ sở, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ tập luyện cho nhân dân vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu; đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên thể dục, thể thao ở cơ sở còn thiếu, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc.

Chế độ chính sách, chế độ dinh dưỡng cho vận động viên chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí cho công tác đào tạo lực lượng vận động viên trẻ kế cận và chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự các đại hội lớn, đặc biệt là trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho các vận động viên đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia còn thiếu và lạc hậu do nguồn kinh phí hạn hẹp.

Việc triển khai các chương trình thuộc Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gặp nhiều khó khăn do thiếu phí thực hiện.

Về du lịch, thiếu chính sách đồng bộ để kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác. Sự liên kết giữa các địa phương chưa thật hiệu quả và còn hình thức. Cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương còn mỏng về số lượng, hạn chế về chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch, công tác quản lý điểm đến chưa đồng bộ, hiệu quả.

Đầu tư nhà nước cho hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu còn thấp và rất khiêm tốn so với khu vực. Hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thiếu tập trung và chưa mang tính chuyên nghiệp cao.

Hoạt động khai thác du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ trong mùa du lịch cao điểm chưa được đảm bảo, chưa tạo được những sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn đối với du khách. Hiện tượng nâng giá, ép giá đối với khách du lịch chưa được chỉ đạo xử lý hiệu quả; hướng dẫn viên du lịch chưa có thẻ, hướng dẫn viên du lịch là người nước ngoài hoạt động không đúng quy định tại một số địa phương vẫn tái diễn.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nhất trí với những nhiệm vụ cần triển khai trong 03 tháng cuối năm 2015. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: Toàn ngành cần tập trung, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, cần có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan.

Trong lĩnh vực du lịch, những tháng cuối năm lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng, cần khai thác, phát huy tiềm năng của các vùng du lịch trọng điểm, thế mạnh của các địa phương, phát huy thế mạnh của các nhà đầu tư chiến lược về du lịch. Cần lưu ý những vấn đề bật cập về du lịch mà báo chí đã nêu, quan tâm tới môi trường du lịch, xúc tiến quảng bá, chất lượng dịch vụ…

Bên cạnh đó, cần quan tâm tới các hoạt động trong biểu diễn nghệ thuật, cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sĩ, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức biểu diễn, phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về văn hóa, thể thao và du lịch; thực hiện Cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng lộ trình; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, quy hoạch tượng đài, thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình…

Đối với lĩnh vực thể dục thể thao, Bộ trưởng biểu dương những thành tích đã đạt được trong 9 tháng đầu năm và yêu cầu Tổng cục thể dục thể thao cần tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, trong đó: Tập trung chỉ đạo, tổ chức tổng kết 9 năm thi hành Luật thể dục thể thao; sơ kết Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 16/NQ-CP; tổ chức cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự, giành thành tích tại Para Games 8 và vòng loại Paralympic 2016. Tập trung triển khai các công tác chuẩn bị tổ chức ABG 5 cũng như chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic 2016.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×