Sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản đề án về công tác gia đình giai đoạn 2011-2015
12/11/2015 | 17:03Ngày 11.11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị-Hội thảo Sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản đề án về công tác gia đình giai đoạn 2011-2015 và tổng kết Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015 (khu vực phía Bắc). Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã đến dự và chủ trì Hội nghị-Hội thảo.
Công tác gia đình ngày càng nhận được sự quan tâm và phối hợp của các ngành, đoàn thể, chủ động triển khai thực hiện các nội dung của công tác gia đình gắn với hoạt động của ngành; đẩy mạnh phối hợp hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được thực hiện với những kết quả đáng ghi nhận, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Cụ thể, 90% hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; 90% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; hàng năm trung bình giảm từ 10-15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, có người mắc tệ nạn xã hội…
Về mục tiêu nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định, đã có 90% hộ gia đình được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; 90% hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiê tai, khủng hoảng kinh tế. Hàng năm, tăng 10% hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hoá, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam ở các địa phương còn nhiều hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, Ban, ngành, đoàn thể còn chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình cũng như việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TTg, Nghị quyết số 81/NQ-CP, Nghị định số 02/2013/NĐ-CP; một số địa phương, hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình chưa tích cực. Công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, chủ yếu là phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền; tệ nạn xã hội, tình hình bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra khá phức tạp tại một số địa phương; chất lượng và hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án, các câu lạc bộ phòng, chống Bạo lực gia đình, các địa chủ tin cậy tại cộng đồng ở một số nơi chưa thường xuyên, chất lượng; nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình chưa cao…
Về giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai Chiến lược, trong thời gian tới, báo cáo đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chỉ đạo của chính quyền các cấp; kiện toàn đội ngũ chuyên trách công tác gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức truyền thông; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình; nhân rộng các mô hình tốt và tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác gia đình, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình…
Tại Hội nghị-Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như: Sơ kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản đề án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt giai đoạn 2011-2015; Sơ kết Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020; Tổng kết Kế hoạch về bình đẳng giới của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015; Tổng kết Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015. Qua đó đánh giá tình hình thực hiện các văn bản, đề án về công tác gia đình, phát huy những kết quả đã đạt được, nhận diện, phân tích những nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để đưa ra các giải pháp làm tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị cũng đã lắng nghe và đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo Tổng kết Kế hoạch thực hiện Bình đẳng giới trong gia đình. Với 13 chỉ tiêu được xây dựng như là những tiêu chí để vừa khơi gợi ra những vấn đề cần quan tâm, vừa là thước đo để đánh giá hiệu quả của những hoạt động trong thực tế, đa số các tỉnh, thành phố đều bước đầu có những hành động cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu này. 8/13 chỉ tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành với tỉ lệ từ 50% số tỉnh, thành phố trở lên, trong đó chỉ tiêu có số tỉnh, thành phố hoàn thành là 24 tỉnh, thành phố cao nhất là công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần.
Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2015 của Bộ VHTTDL được ban hành kịp thời, bám sát định hướng chung trong công tác gia đình; việc tổ chức thực hiện Đề án được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn. Trong điều kiện kinh phí cho công tác gia đình nói chung còn hạn hẹp, nhưng các hoạt động của Đề án đã được cân đối, bố trí, lồng ghép để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án.
Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình của ngành văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2008-2015 đã được triển khai khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai các quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến địa phương, trong đó nổi bật là công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về Phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng, tổ chức các hoạt động và nhân rộng Mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhân dịp này, Bộ VHTTDL đã trao bằng khen cho 20 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc (Khu vực phía Bắc) trong thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015. Riêng, 18 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc (Khu vực phía Nam) sẽ được trao tại Hội nghị-Hội thảo tổ chức tại Bình Dương từ ngày 11-12.11.2015.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản đề án về công tác gia đình giai đoạn 2011-2015. Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác gia đình hiện nay được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thông qua Hội nghị-Hội thảo lần này, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham mưu, báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh tuyên dương, nhân rộng một số điển hình tiên tiến và cùng với Bộ VHTTDL làm tốt công tác gia đình. Bên cạnh đó, để công tác gia đình có sức lan tỏa, Thứ trưởng đề nghị các Ban, Bộ, ngành và địa phương cần tập trung làm tốt công tác truyền thông. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, giới thiệu nhiều phương pháp truyền thông khác phù hợp với không gian, thời gian và từng địa phương.
Một số hình ảnh trao bằng khen tại Hội nghị-Hội thảo:
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân