Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Siết chặt việc cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

15/11/2022 | 10:36

Đoàn công tác của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) vừa tiến hành khảo sát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường và lễ hội tại 4 tỉnh, thành khu vực phía Nam, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Hoạt động khảo sát, kiểm tra nhằm nắm tình hình thực tiễn, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập và có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Siết chặt việc cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường - Ảnh 1.

Phó Cục trưởng Vi Thanh Hoài trao đổi với lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương

Báo cáo với đoàn công tác, Sở VHTT TP.HCM cho biết, sau hơn 2 năm chung tay phòng, chống dịch Covid-19, TP đã từng bước phục hồi nền kinh tế. Hoạt động karaoke, vũ trường cũng hồi sinh một cách thận trọng sau khi được UBND thành phố cho phép hoạt động trở lại.

Rà soát việc cấp Giấy phép

Chín tháng đầu năm 2022, Sở đã tiếp nhận 74 hồ sơ của tổ chức, cá nhân, trong đó chấp thuận 50 hồ sơ (47 trường hợp cấp mới, 3 trường hợp điều chỉnh tăng phòng). 100% hồ sơ đều được tiếp nhận, tham mưu xử lý kịp thời, đúng quy định, không có trường hợp trễ hạn.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhận định hiện tại TP tiếp tục tăng cường công tác rà soát, theo dõi việc cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tại các địa phương. Việc cấp Giấy phép được thực hiện theo quy trình cấp phép tại NĐ 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ thông báo và mời sự tham gia phối hợp với Công an PCCC trực tiếp tham gia thẩm định về PCCC. TP.HCM có 2 đội liên ngành, tuy nhiên vấn đề hậu kiểm sau cấp phép vẫn còn khó khăn. Cũng theo báo cáo, Sở VHTT thường xuyên phối hợp với lực lượng công an kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với các hoạt động mại dâm; sử dụng ma túy trong các cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở hoạt động kinh doanh biến tướng vũ trường. Phối hợp với các Sở, ngành… và đặc biệt đôn đốc, theo dõi chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội thành phố, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở một cách chặt chẽ, đồng bộ trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ văn hóa nhạy cảm, nhà hàng biến tướng; cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, vũ trường, quán bar, beer club… trên địa bàn nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh để tổ chức hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức.

Tại buổi làm việc với Sở VHTT tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, gia đình cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 382 cơ sở kinh doanh karaoke và 3 cơ sở kinh doanh vũ trường. Các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật; quy trình cấp giấy phép được đảm bảo đúng các điều kiện và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Công tác thanh tra được tiến hành thường xuyên. Năm 2022, Sở tiến hành kiểm tra 128 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, phát hiện 13 cơ sở có hành vi vi phạm, xử phạt với số tiền 145.500.000 đồng. Tuy nhiên, do lực lượng thanh kiểm tra còn mỏng nên chưa đảm bảo công tác kiểm tra thường xuyên.

Long An cũng là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt công tác rà soát việc cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke. Việc thực hiện cơ chế kiểm tra, theo dõi đối với việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoek tại địa phương được thực hiện có hiệu quả. “Sở VHTTDL tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng VHTT cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện kiện toàn, củng cố lại Đội kiểm tra liên ngành về văn hóa. Duy trì mỗi tháng kiểm tra 1 lần. Do đó, công tác kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên. Đến nay, đã tổ chức được 711 cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền 645.350.000 đồng...”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An Nguyễn Thị Thủy cho hay.

Khó khăn còn hiện hữu

Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực karaoke, vũ trường.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả, việc phân cấp, ủy quyền cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho các địa phương được đông đảo nhân dân ủng hộ và đánh giá cao. Các cấp chính quyền đã thể hiện vai trò tích cực trong công tác quản lý nhà nước, với các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm… đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bám sát theo quy định của pháp luật; đảm bảo đời sống tinh thần của nhân dân văn minh, lành mạnh, nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của cộng đồng.

Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, hạn chế theo nhận định của bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương: Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là loại hình tiềm ẩn nhiều hoạt động nhạy cảm, do đó công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này gặp không ít khó khăn. Một số cơ sở chưa thực hiện theo đúng các quy định như: Việc chấm dứt kinh doanh hoạt động không gửi thông báo; thay đổi kết cấu phòng hát karaoke sau khi được thẩm định, trong khi lực lượng thanh kiểm tra thì còn mỏng và ít nên chưa đảm bảo công tác kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, không có cán bộ chuyên trách, đều phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau, do đó đã gây khó khăn trong quá trình quản lý và cấp phép đủ điều kiện kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Loan Mười, Phó Chánh thanh tra Sở VHTT TP.HCM chia sẻ, vẫn còn tình trạng hoạt động quán bar, beer club biến tướng, vũ trường, nhà hàng có tổ chức hát karaoke nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, có tiếp viên nữ phục vụ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tệ nạn xã hội; sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ và chưa phát huy hết vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát, vận động.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ghi nhận các kiến nghị của các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM về công tác quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường; đồng thời, đánh giá những kết quả đạt được của các địa phương đối với lĩnh vực này, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài khẳng định: Các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết, sớm phân cấp, ủy quyền cho địa phương thực hiện. Việc phân công trách nhiệm trong từng lĩnh vực rõ ràng. Sự phối hợp với các ngành liên quan chặt chẽ. Công tác theo dõi kiểm tra việc cấp phép, thẩm định hồ sơ cấp phép thuận lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước của địa phương về công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường, Phó Cục trưởng Vi Thanh Hoài đề nghị các tỉnh, thành cần chủ động nắm bắt thực tiễn để kịp thời đưa ra giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới. Qua đó, thường xuyên tổng kiểm tra, rà soát; phân định rõ trách nhiệm và thực hiện với hiệu quả cao nhất trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm này. Dịp này, đoàn công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các nội dung triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23.9.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

Trong các ngày từ 15-18.11.2022, Cục Văn hóa cơ sở tiếp tục khảo sát, kiểm tra đối với lĩnh vực karaoke, vũ trường và lễ hội tại khu vực miền Trung, gồm các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×