Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Siết chặt công tác quản lý karaoke, vũ trường

28/10/2022 | 15:58

Trong hai ngày 27-28/10, triển khai kế hoạch khảo sát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường và lễ hội; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; đoàn công tác của Cục VHCS đã làm việc với các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ để nắm bắt tình tình hình thực tế, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và bàn thảo, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp với tình hình thực tiễn.

Siết chặt công tác quản lý karaoke, vũ trường - Ảnh 1.

Đoàn công tác làm việc với Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh

Rà soát, chấn chỉnh bất cập trong hoạt động karaoke, vũ trường

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng,Ttrưởng đoàn công tác cho biết, khảo sát, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường là nội dung trọng tâm trong các buổi làm việc này. Trước một số vụ việc đau lòng,  những bất cập đã xảy ra liên quan đến hoạt động của các dịch vụ karaoke, vũ trường, nhiều địa phương đã chủ động, quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, rà soát thực trạng hoạt động của loại hình dịch vụ này trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.

“Hoạt động kiểm tra, khảo sát nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh karaoke, Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Chúng tôi mong muốn lắng nghe những ý kiến, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương để cùng phối hợp, rà soát, chỉ rõ những bất cập và đề xuất giải pháp trước khi có tổng hợp chính thức báo cáo Bộ VHTTDL  và Chính phủ”, ông Lương Đức Thắng cho biết.

Tại buổi làm việc , Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo về các nội dung quản lý  hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn, bao gồm: Quy trình cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; Công tác cấp Giấy phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ vũ trường; Công tác cấp Giấy phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke; Công tác kiểm tra, theo dõi việc cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ Quy định về kinh doanh dịch vụ Karaoke, vũ trường được phổ biến thực hiện, việc phân cấp, uỷ quyền cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường từ cấp tỉnh cho các địa phương được đông đảo nhân dân ủng hộ và đánh giá cao.

Các cấp chính quyền đã thể hiện vai trò tích cực trong công tác quản lý nhà nước, với các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm… đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bám sát theo quy định của pháp luật; đảm bảo đời sống tinh thần của nhân dân văn minh, lành mạnh, nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hoá của cộng đồng.

Về cơ chế kiểm tra, theo dõi việc cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, tính đến tháng 10.2022, tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang hoạt động trên địa bàn là 519 cơ sở, trong đó số cơ sở được các địa phương cấp phép hoạt động là 432 cơ sở; số cơ sở chưa được cấp phép là 87 cơ sở. Đến nay 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát xong các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn.

“Số cơ sở karaoke đã được kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh đến nay là 506 cơ sở trong đó số có giấy phép là 421 cơ sở, số chưa có giấy phép là 85 cơ sở; tạm đình chỉ là 94 cơ sở. Tổng số vũ trường đã cấp phép trên địa bàn tỉnh là 6 cơ sở; số vũ trường đã kiểm tra trên địa bàn tỉnh là 6 cơ sở; số vũ trường bị đình chỉ và tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 684 triệu...”, Chánh thanh tra Sở VHTT Quảng Ninh Bùi Quang Nam cho biết.

Lãnh đạo Sở VHTT Quảng Ninh cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, ông  Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là loại hình tiềm ẩn nhiều hoạt động nhạy cảm, khiến công tác quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này gặp không ít khó khăn. Lực lượng tham mưu công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường tại phòng chuyên môn của Sở và tại địa phương số lượng ít, chủ yếu bố trí 01 cán bộ. Không có cán bộ chuyên trách, đều phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.

Siết chặt công tác quản lý karaoke, vũ trường - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, theo quy định 01 năm chỉ được kiểm tra theo Kế hoạch định kỳ 01 lần, các nội dung kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề phải có căn cứ đối với các cơ sở có hành vi vi phạm. Trình tự, thủ tục kiểm tra cũng còn nhiều khâu, nhiều bước nên công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả. Đây cũng là một khó khăn đối với công tác thanh, kiểm tra trên địa bàn.

Cũng theo Sở VHTT Quảng Ninh, một bất cập nữa hiện nay là hoạt động kinh doanh bar, pub, club... nở rộ; các cơ sở này cung cấp dịch vụ đúng theo quy định của pháp luật về dịch vụ vũ trường tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, các hoạt động “lách luật”, “biến tướng” dưới hình thức kinh doanh bar, pub, club,... nên không phải đảm bảo theo quy định của ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không chịu nộp thuế cao, không đáp ứng về cách âm, tiếng ồn,... Đây đang trở thành hoạt động khó quản lý, tạo nhiều bức xúc trong nhân dân do xử phạt khó, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe....

Nhằm  góp phần khắc phục những bất cập, lãnh đạo Sở VHTT Quảng Ninh cho biết thêm, ngày 4.11 tới đây, Quảng Ninh sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho các đối tượng là doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận làm cơ sở cho các hoạt động sau này.

Quyết liệt tìm giải pháp

Giám đốc Sở VHTT TP. Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, với tinh thần quyết liệt hành động, Hải Phòng đang triển khai cuộc tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke trên địa bàn toàn thành phố. Đây là nội dung trọng tâm trong công tác quản lý Nhà nước tại Hải Phòng thời gian qua.

Siết chặt công tác quản lý karaoke, vũ trường - Ảnh 3.

Đoàn công tác làm việc với Sở VHTT TP. Hải Phòng

Trưởng Phòng quản lý văn hoá, Sở VHTT Hải Phòng Trần Thị Hoà cho biết, Sở đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn vào các năm 2019, 2021 hướng dẫn triển khai Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cho các đối tượng là cán bộ, chuyên viên Phòng VHTT các quận huyện và đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Hải Phòng cũng đã chủ trì thành lập Đoàn công tác liên ngành tổ chức các đợt khảo sát và đánh giá việc thực hiện  Nghị định 54 tại 352 cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn 14 quận huyện. Theo đó, toàn thành phố hiện có 431 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang hoạt động; trên 150 cơ sở đã dừng hoạt động; một số cơ sở chưa được cấp giấy phép do chưa đảm bảo về điều kiện kinh doanh theo quy định. Việc cấp giấy phép cho các cơ sở được thực hiện theo đúng quy trình, đúng tiến độ theo quy định.

2 cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường đều ngừng hoạt động, trong đó vũ trường NEW MDM CLUB xin tạm dừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục sau vụ hoả hoạn  xảy ra ngày 12.8.2022. Vũ trường Hoàng Gia đang bị tạm đình chỉ hoạt động để thực hiện các yêu cầu  về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo Quyết định của Công an quận Ngô Quyền.

Trong 2 năm 2020-2021, Hải Phòng tập trung  cao cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cũng như nhiều  loại hình kinh doanh dịch vụ văn hoá khác trên địa bàn thành phố đều phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên còn một số cơ sở bất chấp các quy định cấm vẫn lén lút hoạt động. Công tác thanh, kiểm tra được tiến hành thường xuyên.

Sở VHTT Hải Phòng cũng nêu rõ những bất cập trong quy định về karaoke, vũ trường. Theo đó, các quán bar  hiện nay hoạt động không khác gì một vũ trường, tuy nhiên không phải xin phép, Thanh tra Sở không kiểm tra được hoạt động này nếu không quảng cáo hoặc biểu diễn nghệ thuật. Đối với hoạt động “hát cho nhau nghe”, thực chất là hát karaoke, nhưng cũng giống như quán bar, giải thích từ ngữ về dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường của Nghị định 54/2019/NĐ-CP không cụ thể, không rõ ràng, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý dịch vụ karaoke không có giấy phép.

Một số kiến nghị cụ thể được nêu như: kiến nghị cho phép kéo dài thời gian hoạt đối với dịch vụ karaoke tại các khu, điểm du lịch và các địa bàn thí điểm phát triển kinh tế ban đêm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, thu hút du khách, thúc đẩy phát triền du lịch; cần xem xét, tham mưu cho Chính phủ đưa hoạt động kinh doanh quán bar,  club vào quản lý; quy định rõ chức năng, thẩm quyền do cơ quan cơ quan nào chịu trách nhiệm..., tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với hoạt động kinh doanh này. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nói chung, dịch vụ karaoke, vũ trường nói riêng cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.

Chủ động nắm bắt thực tiễn, có giải pháp kịp thời

Ghi nhận những kết quả  các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng đã nỗ lực, chủ động triển khai trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 54/2019/CP-NĐ của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; Phó Cục trưởng Lương Đức Thắng nhận định, mỗi địa phương đã xuất phát từ đặc thù của mình và có những sự chủ động, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở những lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro này. Công tác phối hợp thanh tra đối với các ngành liên quan được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Phó Cục trưởng lưu ý, vì tính chất phức tạp đó, trong bối cảnh xã hội càng phát triển càng đòi hỏi công tác quản lý phải sát sao, chủ động để nắm bắt thực tiễn và kịp thời đưa ra giải pháp.

Cũng theo ông Lương Đức Thắng, thực tiễn đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề mà các địa phương cũng đã nhìn nhận, đề xuất kiến nghị. Công tác thanh, kiểm tra, rà soát thực trạng hoạt động của hệ thống loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường trên các địa bàn sôi động là Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã kịp thời cung cấp cho cơ quan quản lý cái nhìn toàn cảnh, từ đó đưa ra các giải pháp chấn chỉnh bất cập. “Thường xuyên tổng kiểm tra, rà soát; phân định rõ và thực hiện với hiệu quả cao nhất trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị... là những vấn đề  cần tiếp tục chú trọng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đặc biệt chú trọng công tác phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý”, ông Thắng nhấn mạnh.

Đoàn công tác cũng đã làm việc với các địa phương về các nội dung triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23.9.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

Hôm nay, 28/10, đoàn tiếp tục làm việc với các Sở Vình Phúc, Phú Thọ về những nội dung này.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×