Sân vận động Mỹ Đình ưu tiên cho hoạt động thể thao là số một
22/04/2025 | 08:06Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến cho biết: "Sân Mỹ Đình- ưu tiên cho thể thao là số một, sau đó mới đến các sự kiện văn hóa, giải trí khác". Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá quốc gia không nhất thiết phải thi đấu ở sân Mỹ Đình mà có thể thi đấu ở các sân vận động khác trên cả nước.
Chiều 21/4, tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khai thác và sử dụng sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến cho biết, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện thể thao quan trọng, trong đó có SEA Games 22 năm 2003 và gần đấy nhất SEA Games 31 năm 2022.
Bên cạnh đó, sân vận động Mỹ Đình còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị – xã hội lớn như lễ chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc, các sự kiện văn hóa, lễ hội tầm cỡ quốc gia.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến thông tin tại buổi họp báo chiều 21/4.
Liên quan đến giải vô địch bóng đá ASEAN Cup 2024 khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở sân vận động Việt Trì, Phú thọ để nhường sân Mỹ Đình cho sự kiện khác, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ: "Trước giải, đội tuyển bóng đá nam quốc gia không được đánh giá cao, bởi phong độ dưới thời HLV Philippe Troussier là không tốt. Chính vì vậy, các nhà chuyên môn đã chủ động lượng hóa số lượng khán giả đến sân sẽ không quá đông và sân Việt Trì, Phú Thọ được xem là địa điểm phù hợp hơn để tổ chức vòng bảng.
Phú Thọ từng tổ chức các bảng A và B của SEA Games rất thành công. Các đoàn khảo sát của AFF, AFC và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng thống nhất đánh giá sân Việt Trì, Phú Thọ là phù hợp để tổ chức".
Cũng theo bà Lê Thị Hoàng Yến, khi đội tuyển lọt vào bán kết, nhiều ý kiến đề xuất đưa đội quay lại đá ở sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, do đội đang thi đấu thăng hoa, đạt hiệu quả tốt tại sân Việt Trì, Phú Thọ nên các chuyên gia và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thống nhất tiếp tục tổ chức tại đây để giữ nhịp thi đấu ổn định.

Quang cảnh buổi hợp báo.
Về nguyên tắc sử dụng sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Phó Cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến khẳng định: "Sân Mỹ Đình đương nhiên phải ưu tiên cho thể thao là số một. Sau đó mới đến các sự kiện văn hóa, giải trí khác".
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng cũng chia sẻ khó khăn trong công tác vận hành: "Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là đơn vị tự chủ tài chính, nên rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân, cơ sở vật chất. Vì vậy, việc cho thuê tổ chức các sự kiện văn hóa, giải trí lớn cũng là một giải pháp để đảm bảo nguồn thu, nhưng nguyên tắc là không được làm ảnh hưởng đến lịch sử dụng cho thể thao đỉnh cao".
Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam cũng nói thêm, các trận đấu của đội tuyển quốc gia không nhất thiết phải thi đấu ở sân vận động Mỹ Đình.
"Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng như khu vực như vậy, đội tuyển quốc gia không nhất thiết phải đá ở 1 sân vận động mà có thể thi đấu ở nhiều sân vận động khác nhau. Vì vậy, việc tổ chức các trận đấu của đội tuyển quốc gia tại Phú Thọ, Bình Dương hay ở các nơi khác trên cả nước là rất bình thường và sẽ do các cơ quan chuyên môn quyết định", bà Lê Thị Hoàng Yến cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy tại buổi họp báo chiều 21/4.
Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ về việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam tại nước ngoài, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, với mục tiêu năm 2025, Việt Nam đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch luôn tập trung trong công tác hoàn thiện các dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch để đón và phục vụ du khách quốc tế, đặc biệt là thị trường khách có chi tiêu cao và tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến được với nhiều du khách quốc tế hơn nữa, mở rộng cả những thị trường khách tiềm năng, bên cạnh những thị trường truyền thống.
Về Đề án thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Lào, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy chia sẻ, Lào nằm trong cung đường "1 hành trình - 3 điểm đến" Việt Nam - Lào - Campuchia, việc liên kết phát triển du lịch giữa các nước láng giềng không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế mà còn là cầu nối quan trọng trong gắn kết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã có những hoạt động làm việc với các bên liên quan để thúc đẩy hợp tác du lịch này.