Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Sẵn sàng cho các hoạt động chào mừng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4” tại “Làng”

15/04/2017 | 12:28

(Cinet) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã giao Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Để hiểu rõ hơn về kế hoạch tổ chức cũng như công tác chuẩn bị cho các hoạt động chào mừng Ngày hội tại “Làng”, phóng viên Cinet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lợi, Phó trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. 

PV: Xin ông cho biết, ý nghĩa của các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 tại “Làng”?

Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thông qua các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc đại diện 54 dân tộc anh em trên khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc có dịp gần gũi, hiểu biết, quý trọng nhau hơn và thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc; đồng thời tiếp tục động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) không chỉ là sự kiện văn hoá quan trọng mà còn thiết thực quảng bá, giới thiệu về Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em – một thiết chế văn hoá lớn của cả nước, một địa chỉ về văn hoá du lịch cần được khám phá.

Sau lễ mở cổng làng (19/9/2010) đến nay Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phát huy tốt vai trò Chủ thể văn hoá tự giới thiệu về mình, từng bước trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt rất cần sự quan tâm của các nhà đầu tư cho các Khu chức năng không sử dụng phần vốn ngân sách nhà nước như: Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu Trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí; Khu Di sản văn hoá thế giới; Khu Cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô… để sớm hoàn thiện mục tiêu theo kế hoạch tổng thể xây dựng Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: So với các năm trước, quy mô tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại “Làng” năm nay có gì khác, thưa ông?

Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ được tổ chức tại "Làng" chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Từ năm 2009 đến nay, các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã trở thành sự kiện thường niên được tổ chức tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy vậy Ban Tổ chức đã cân nhắc quy mô và nội dung hoạt động và việc huy động cộng đồng các dân tộc cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ VHTTDL, BQL Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch các tỉnh, thành: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Hoà Bình, Điện Biên, Nghệ An và Hà Nội cùng các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL như: Tổng cục TDTT, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc, Học viện Âm nhạc Việt Nam, Liên đoàn Yoga… tham gia tổ chức 6 nội dung bao gồm: Lễ khai mạc; Trưng bày triển lãm và trình diễn “tre nứa trong đời sống âm nhạc Việt Nam”; các lễ hội truyền thống dân tộc, trình diễn thể thao dân tộc và Yoga; Giới thiệu đồ thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề truyền thống được chế tác từ tre, nứa.

Điểm khác trong các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm nay là từ chương trình khai mạc, trưng bày triển lãm các nhạc cụ truyền thống, trình diễn giới thiệu và hoạt động của đồng bào dân tộc giao lưu với du khách trong không gian trưng bày triển lãm… đều mang đậm sắc màu văn hoá các dân tộc từ các nhạc cụ độc đáo được chế tác từ tre, nứa và các hoạt động thể thao truyền thống: trình diễn vật dân tộc, Yoga, võ cổ truyền, kéo co…

PV: Điểm nhấn của Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm nay là gì, thưa ông?

Điểm nhấn của Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm nay là chương trình khai mạc có chủ đề: “Những bông Hoa đất Việt” với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc được các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ các vùng, miền và các Nhà hát, Đoàn nghệ thuật Trung ương và một số đơn vị nghệ thuật địa phương do Cục Nghệ thuật Biểu diễn và BQL Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức vào 20h00 ngày 19/4 tại Quảng trường Làng II, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam và được truyền hình trực tiếp trên VTV Đài Truyền hình Việt Nam.

Điểm nhấn của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam là Chương trình khai mạc có chủ đề: “Những bông Hoa đất Việt” . Ảnh: vinaculto 

PV: Ông có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Ngày hội đang diễn ra như thế nào?

Ban Tổ chức đã chuẩn bị mọi mặt cho việc tổ chức thành công các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam từ nội dung chương trình, kịch bản tổng thể và kịch bản lễ khai mạc, kế hoạch chi tiết từng hoạt động. Các đơn vị, địa phương được huy động, nghệ nhân, đồng bào dân tộc, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, sinh viên đã sẵn sàng cho công tác tổ chức. Công tác tuyên truyền quản bá và chuẩn bị mặt bằng tổ chức các hoạt động, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và y tế được chuẩn bị chu đáo, tích cực đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Lan Anh thực hiện

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×