Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia

10/12/2024 | 10:55

Sáng ngày 9/12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình triển khai thực hiện Luật Điện ảnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc.

Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc.

Luật Điện ảnh ra đời đã giúp cho lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam đạt được những thành công nhất định

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh 2022 ra đời có nhiều điểm mới, thông thoáng, minh bạch hơn, bao quát được hầu hết các chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh với quyền và nghĩa vụ rõ ràng. Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim tuân thủ Luật.

Luật cũng quy định rõ hơn việc quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam; cấp giấy phép phân loại phim đều có những cải cách về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thành phần hồ sơ thực hiện. “Luật Điện ảnh ra đời đã giúp cho lĩnh vực điện ảnh của Việt Nam đạt được những thành công nhất định”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ.

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 03 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm 2023 dần khôi phục và đạt được những thành quả nhất định. Ngay từ nửa đầu năm 2023, các phim như: “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em 2”, “Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Siêu lừa gặp siêu lầy” sau khi công chiếu đạt doanh thu cao đã mang lại những tín hiệu khởi sắc cho hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim Việt Nam.

Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc

Trong nửa cuối năm 2023, các phim: “Đất rừng Phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”... sau khi ra mắt cũng đã góp phần làm tăng doanh thu phim Việt. Ngoài ra, các phim Nhà nước đặt hàng như phim: “Đào, Phở và Piano” (đề tài chiến tranh cách mạng) được giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII; phim “Lính chiến” (đề tài chiến tranh cách mạng) và phim “Hồng Hà nữ sĩ” (đề tài lịch sử) công chiếu đã làm phong phú, đa dạng thị trường điện ảnh. Trong số top 5 phim chiếu rạp có doanh thu phòng vé cao nhất Việt Nam năm 2023, thì 5 phim đều là phim Việt.

Về số lượng phòng chiếu phim, tính đến tháng 12/2023, cả nước có khoảng 220 rạp chiếu phim với 1.114 phòng chiếu phim, trong đó, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm khoảng 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%. Đặc biệt, kể từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực, hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh được Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quan tâm, đầu tư, hỗ trợ thực hiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình được sử dụng để lựa chọn đầu tư đối với điện ảnh có các nhiệm vụ: Xây dựng trường quay tại thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng trường quay tại thành phố Đà Nẵng; đầu tư mở rộng hệ thống Trung tâm chiếu phim Quốc gia hiện đại tại Đà Nẵng, Hồ Chí Minh; nâng cấp hệ thống rạp chiếu phim tại các địa phương...

Về phổ biến phim trên không gian mạng, tính đến tháng 9/2024, có 17 doanh nghiệp, tổ chức được công nhận đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng (trong đó có 15 doanh nghiệp trong nước, 02 tổ chức phổ biến phim xuyên biên giới). Hầu hết các doanh nghiệp lớn phổ biến phim trong nước đã được công nhận đủ điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng. So với trước khi Luật Điện ảnh năm 2022 ra đời, các doanh nghiệp đã và đang có sự thay đổi đáng kể về tư duy, thói quen khi phổ biến phim trên không gian mạng; chủ động thực hiện phân loại, hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nhằm bảo đảm không vi phạm các quy định cấm của Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan trên nền tảng của mình.

Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, các quy định của Luật Điện ảnh không những tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam, mà còn thu hút, khuyến khích được sự tham gia nhiều tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực của hoạt động điện ảnh.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm như: Quỹ phát triển điện ảnh; xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh; thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh; phổ biến phim trên nền tảng số…

Cụ thể, các đại biểu chỉ rõ, các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng cho ngành điện ảnh chưa được cụ thể hóa; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh chưa đáp ứng được yêu cầu; năng lực quản lý, phổ biến phim trên môi trường mạng còn hạn chế; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh chưa được quan tâm đúng mức…

Trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, thúc đẩy xã hội hóa trong các Luật như: Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Đầu tư,.. để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật chuyên ngành. Để đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công trong một số lĩnh vực khó thu hút xã hội hóa như văn hóa - điện ảnh, các đại biểu lưu ý, cần có cơ chế ưu đãi về nghĩa vụ tài chính nhiều hơn các lĩnh vực khác, không phân biệt giữa đơn vị công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, các địa phương cũng cần nghiên cứu đầu tư phát triển điện ảnh; xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, hoạt động phát hành, phổ biến phim tại địa phương.

Rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua, nhất là từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực; đồng thời cho rằng, công tác triển khai thi hành Luật Điện ảnh đã được quan tâm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cơ bản được hoàn thành. Qua đó, các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành điện ảnh đã bước đầu được triển khai; công tác quản lý nhà nước về điện ảnh bước đầu được cải thiện.

Trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định hướng dẫn chi tiết, để đưa các chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách; nâng cao năng lực quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh; chú trọng phát triển hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh. Cùng với đó, rà soát, bổ sung chiến lược phát triển điện ảnh phù hợp với các chương trình, mục tiêu quốc gia; tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, phổ biến phim, đặc biệt là các tác phẩm có chất lượng cao./.

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×